Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc phải đáp ứng các quy định chung về đăng ký kinh doanh thì đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện nhất định. Tiện ích Tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm giúp Quý khách hàng thuận tiện trong việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hồ sơ, thủ tục để tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề yêu cầu điều kiện cụ thể.

Đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

Các ô tô đã qua sử dụng khi nhập khẩu về Việt Nam phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định. Đối với ô tô chưa qua sử dụng khi nhập khẩu về Việt Nam phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định.

Thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng và ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng được thực hiện khác nhau về thành phần hồ sơ và nội dung kiểm tra, thử nghiệm. Cụ thể như sau:

 

Ô tô đã qua sử dụng

Ô tô chưa qua sử dụng

Thành phần hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường

1. Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-BGTVT);

2. Bản sao giấy Chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;

3. Bản sao hóa đơn thương mại;

4. Bản sao Bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu);

5. Bản chính Bản thông tin xe cơ giới nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-BGTVT);

6. Bản sao tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật xe của nhà sản xuất;

7. Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hồ sơ giấy; số, ngày, tháng, năm của Tờ khai đối với hồ sơ điện tử.

 

1. Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-BGTVT);

2. Bản sao giấy Chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

3. Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô;

4. Bản sao hóa đơn thương mại;

5. Bản sao Bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu);

6. Bản chính Bản thông tin xe cơ giới nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-BGTVT);

7. Bản sao tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật xe của nhà sản xuất;

8. Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hồ sơ giấy; số, ngày, tháng, năm của Tờ khai đối với hồ sơ điện tử;

9. Bản sao Báo cáo thử nghiệm khí thải;

10. Bản sao Báo cáo thử nghiệm an toàn.

 

Nội dung kiểm tra, thử nghiệm

- Về hồ sơ: kiểm tra tính thống nhất của nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra.

- Về thực tế: thực hiện kiểm tra đối với xe được đăng ký lưu hành tại các quốc gia thuộc EU, G7, quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam. Nội dung kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe (theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 03/2018/TT-BGTVT).

 

- Phương thức kiểm tra, thử nghiệm xe mẫu áp dụng cho kiểu loại ô tô nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam, chu kỳ kiểm tra, thử nghiệm xe mẫu tiếp theo đối với ô tô nhập khẩu từ nước áp dụng hệ thống chứng nhận theo kiểu loại quy định tại Mẫu số 06 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2020/TT-BGTVT và chu kỳ đối với ô tô nhập khẩu từ nước áp dụng hệ thống tự chứng nhận là 36 tháng.

- Phương thức kiểm tra xác suất áp dụng đối với các lô xe nhập khẩu không thuộc phương thức kiểm tra thử nghiệm xe mẫu.

Việc kiểm tra đối chiếu kết cấu thực tế của xe mẫu so với các báo cáo thử nghiệm quy định phương thức kiểm tra xác suất có thể được thay thế bằng việc kiểm tra đối chiếu kết cấu của xe mẫu so với xe được cấp báo cáo thử nghiệm thông qua phần mềm của nhà sản xuất.

- Việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất. Cơ quan quản lý chất lượng thực hiện đánh giá đánh giá COP theo các tiêu chí nêu trong tiêu chuẩn IATF 16949 “Các yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng dành cho các tổ chức sản xuất và dịch vụ liên quan linh kiện ngành ô tô”.

- Đối với kiểu loại xe ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận nêu tại Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2020/TT-BGTVT, định kỳ giữa chu kỳ 36 tháng cơ quan kiểm tra chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu lấy mẫu ngẫu nhiên tại đại lý hoặc kho, bãi của doanh nghiệp nhập khẩu (thuộc lô hàng đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu) để thử nghiệm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mỗi kiểu loại xe ô tô. Việc lấy mẫu phải được lập thành biên bản theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2020/TT-BGTVT để doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình khi làm việc với cơ sở thử nghiệm.

- Ô tô nhập khẩu có kết quả chứng nhận sự phù hợp về chất lượng từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận chất lượng xe cơ giới thì thực hiện theo thỏa thuận.

- Đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại nhưng chưa được cơ quan kiểm tra đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, kiểu loại ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước không áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại hoặc phương thức quản lý tự chứng nhận thì áp dụng phương thức Kiểm tra, thử nghiệm xe mẫu đối với từng 16 hàng.

Gửi xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam như thế nào?

Hình từ Internet

Đối với ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng và ô tô chưa qua sử dụng thì cách thức, nơi nộp hồ sơ và thời hạn giải quyết là giống nhau, cụ thể:

Cách thức - Nơi nộp hồ sơ: Nộp trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc thực hiện thủ tục đăng kiểm điện tử.

Lưu ý:

- Tại thời điểm đăng ký kiểm tra, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp tối thiểu các tài liệu 1, 2, 3, 4, 5, 6 đối với xe đã qua sử dụng; các tài liệu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 đối với xe chưa qua sử dụng.

- Bản sao tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hồ sơ giấy hoặc số, ngày, tháng, năm của tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hồ sơ điện tử phải nộp khi đề nghị kiểm tra thực tế, các giấy tờ còn lại của hồ sơ phải được bổ sung trước khi cơ quan kiểm tra cấp chứng chỉ chất lượng.

- Đối với Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, doanh nghiệp nộp 01 bản sao trên hệ thống trực tuyến đối với mỗi kiểu loại và nộp bổ sung bản chính của tất cả các xe cho cơ quan kiểm tra trước khi kiểm tra xe thực tế.

Thời hạn giải quyết:

- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra: tối đa 01 ngày làm việc. Nếu hồ sơ đầy đủ, cơ quan kiểm tra xác nhận vào Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu. trường hợp hồ sơ đăng ký chưa đủ, cơ quan kiểm tra đề nghị doanh nghiệp bổ sung.

- Kiểm tra xe: doanh nghiệp xuất trình ô tô để cơ quan kiểm tra tiến hành việc kiểm tra tại địa điểm và thời gian đã đăng ký nhưng tối đa không quá 10 ngày, trường hợp sau 10 ngày mà doanh nghiệp không xuất trình được xe theo hồ sơ đăng ký kiểm tra thì doanh nghiệp phải đăng ký lại từ đầu. Nội dung kiểm tra xe sẽ được thực hiện kiểm tra về hồ sơ và kiểm tra trên thực tế đối với xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng và ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng như trên.

- Thử nghiệm mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại: Đối với ô tô chưa qua sử dụng, doanh nghiệp nhập khẩu tự đưa mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu mà cơ quan kiểm tra đã lấy mẫu đến cơ sở thử nghiệm để thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để cơ quan kiểm tra cấp chứng chỉ chất lượng.

- Cấp chứng chỉ chất lượng: Trong thời hạn không quá 04 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra và nhận đủ tài liệu có liên quan để làm căn cứ chứng nhận, cơ quan kiểm tra cấp giấy Chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe trong toàn bộ lô xe nhập khẩu.

Đối với ô tô nhập khẩu không đạt yêu cầu về an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường: cơ quan kiểm tra cấp Thông báo không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu, đồng thời gửi đến cơ quan hải quan để giải quyết theo quy định đối với: các ô tô thuộc cùng kiểu loại trong lô xe nhập khẩu có ít nhất một trong hai kết quả thử nghiệm về khí thải và kết quả thử nghiệm về chất lượng an toàn không đạt yêu cầu theo quy định; ô tô đã qua sử dụng có kết quả kiểm tra thực tế không đạt hoặc không được đăng ký lưu hành tại các quốc gia thuộc EU, G7, quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam.

Đối với ô tô nhập khẩu thuộc danh mục cấm nhập khẩu: cơ quan kiểm tra cấp Thông báo xe cơ giới thuộc danh mục cấm nhập khẩu, đồng thời gửi đến cơ quan hải quan để giải quyết theo quy định.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

3,696
Công việc tương tự:
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp:
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: