>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong công ty TNHH một thành viên

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.

Ví dụ: Hình dáng bên ngoài, màu sắc của chiếc bóng đèn có thể được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, công ty TNHH một thành viên tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp như sau:

1. Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp

Thứ nhất, có tính mới: tức là kiểu dáng công nghiệp có sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp khác đã bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

Lưu ý: 02 kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.

Thứ hai, có tính sáng tạo: tức là kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng khi căn cứ vào các kiểu dáng đã được bộc lộ công khai (dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác) ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.

Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệp: có thể hiểu là kiểu dáng công nghiệp có khả năng dùng mẫu để chế tạo lặp đi lặp lại hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Thứ tư, không thuộc các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp. Cụ thể, các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có.

- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp.

- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

2. Trường hợp công ty TNHH một thành viên được quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp

- Công ty TNHH một thành viên có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp khi thực hiện đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc hoặc thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật hoặc trường hợp kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (nêu bên dưới).

- Trường hợp công ty TNHH một thành viên cùng với các tổ chức, cá nhân khác tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì công ty TNHH một thành viên và các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện nếu tất cả tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

Lưu ý: Công ty TNHH một thành viên có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Riêng đối với kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thì quyền đăng ký bảo hộ được xác định như sau:

(i) Đối với kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp (iii) nêu bên dưới.

(ii) Đối với kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp (iii) bên dưới.

(iii) Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia được thực hiện như sau:

- Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp thuộc về Nhà nước.

- Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước;

- Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký quy định tại đoạn (i) và (ii) nêu trên.

3. Thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm:

(1) Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Mẫu số 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP).

(2) Mô tả kiểu dáng công nghiệp (bao gồm cả hình vẽ, nếu có): 01 bản

(3) Ảnh chụp/Bản vẽ kiểu dáng công nghiệp: 04 bộ.

(4) Giấy ủy quyền (nếu đơn nộp thông qua đại diện).

(Tham khảo tại mẫu Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho cá nhân hoặc mẫu Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho tổ chức).

(5) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu công ty TNHH một thành viên nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác.

(6) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên bao gồm:

Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên.

- Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

(7) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Lưu ý: Yêu cầu cụ thể đối với hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 21 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.

Số lượng hồ sơ:

01 bộ hồ sơ.

Cách thức nộp hồ sơ:

Công ty nộp hồ sơ đăng ký đến Cục Sở hữu trí tuệ theo một trong các cách thức sau:

- Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thời hạn giải quyết:

- Thẩm định hình thức:

+ 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trong trường hợp đơn hợp lệ.

+ 01 tháng 10 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn.

+ 03 tháng 10 ngày trong trường hợp đơn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.

+ 03 tháng 20 ngày trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thống báo thẩm định hình thức đơn nhưng đơn vẫn không hợp lệ và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.

- Công bố đơnTrong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ hoặc vào thời điểm muộn hơn theo yêu cầu của người nộp đơn nhưng không quá bảy tháng kể từ ngày nộp đơn.

- Thẩm định nội dung:

+ 07 tháng kể từ ngày công bố đơn.

+ 09 tháng 10 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn.

+ 10 tháng 15 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.

+ 12 tháng 25 ngày kể từ ngày công bố đơn trong trường hợp người nộp đơn chủ động sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo thẩm định nội dung đơn và đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ/thiếu sót và người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót trong thời hạn theo quy định.

- Cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp: 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn yêu cầu nộp phí, lệ phí.

- Công bố Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp: 60 ngày kể từ ngày ra quyết định cấp.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

1,702
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: