Cho tôi hỏi đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cần đáp ứng yêu cầu gì? Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp? – Thu Hà (Hải Phòng).
>> Quyền đăng ký nhãn hiệu năm 2023 được quy định như thế nào?
>> Yêu cầu với đơn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý năm 2023?
Căn cứ theo quy định tại Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế và bản tóm tắt sáng chế. Bản mô tả sáng chế gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế.
Phần mô tả sáng chế phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
- Giải thích vắn tắt hình vẽ kèm theo, nếu cần làm rõ thêm bản chất của sáng chế;
- Làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.
Phạm vi bảo hộ sáng chế phải được thể hiện dưới dạng tập hợp các dấu hiệu kỹ thuật cần và đủ để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế và phải phù hợp với phần mô tả sáng chế và hình vẽ.
Bản tóm tắt sáng chế phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế.
Toàn văn file word Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành |
Yêu cầu với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí năm 2023 (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại khoản 33 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ.
Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.
Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp, bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.
Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định thiết kế bố trí cần bảo hộ trong đơn đăng ký thiết kế bố trí theo quy định tại Điều 104 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm:
- Bản vẽ, ảnh chụp thiết kế bố trí;
- Thông tin về chức năng, cấu tạo của mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí;
- Mẫu mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí, nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại.
Theo quy định tại Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019), cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được tiến hành như sau:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
- Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
- Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.
>> Xem thêm bài viết:
>> Đối tượng nào được đăng ký sở hữu công nghiệp từ ngày 01/01/2023?
>> Trường hợp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ 2022