Xin chào Pháp lý khởi nghiệp, tôi có một tình huống cụ thể như sau: Anh Minh đã làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước, hưởng mọi quyền lợi từ trước. Đến nay, chúng tôi muốn tuyển Anh Minh vào làm thêm và ký hợp đồng chuyên gia với Anh Minh. Lương bên tôi dự tính trả cao hơn lương của Doanh nghiệp nhà nước trả cho Anh Minh. Nếu như thế Công ty tôi sẽ đóng thêm khoản BTTNLĐ và BNN (0,5%) lương cho Anh Minh? Tôi thắc mắc: Công ty tôi trả lương cao hơn công ty A Minh đang làm. Vậy, Anh Minh có cần chuyển BHYT sang công ty tôi hay không? Hay công ty tôi chỉ cần đóng BHTNLĐ và BNN là đủ mọi trách nhiệm của Công ty và Anh Minh phải làm? Xin cảm ơn.
>> Các trường hợp lao động nước ngoài phải đóng BHXH, thuế TNCN
>> Những phụ cấp không phải đóng BHXH có quy định mức tiền không?
Chào anh ,PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được đề nghị hỗ trợ của anh nên Ban hỗ trợ có ý kiến trao đổi với anh như sau:
Về vấn đề xác định trách nhiệm tham gia Bảo hiểm Y tế (sau đây gọi tắt là "BHYT").
Trong trường hợp người lao động có làm việc tại nhiều nơi, họ sẽ tham gia BHYT theo hợp đồng lao động có Mức tiền lương cao nhất. Những người sử dụng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả vào lương cho họ một khoản tương ứng với mức đóng BHYT thuộc trách nhiệm của mình.
Anh xem hướng dẫn chi tiết về vấn đề này tại công việc: Giao kết hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở nơi khác.
Theo thông tin mà anh cung cấp thì bên mình dự định trả lương cho anh Minh cao hơn tiền lương của anh này tại doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, dể xác định việc anh Minh tham gia BHYT theo hợp đồng lao động với bên nào thì anh cần xác định lại Mức lương của bên mình có cao hơn Mức lương tại doanh nghiệp nhà nước kia hay không?
Tiền lương của người lao động được cấu thành bởi 03 thành tố là: Mức lương (theo thang, bảng lương của doanh nghiệp đối với vị trí công việc đó); các loại Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác - anh có thể xem chi tiết tại công việc: Trả lương cho người lao động.
Theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 18 của Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, tiền lương tính đóng BHYT là tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc và bằng Mức lương cộng một số loại Phụ cấp tính đóng cụ thể.
Để xác định Mức tiền lương cao nhất là xác định tiền lương tính đóng BHYT theo hướng dẫn nêu trên; và, do đó, bên anh trả tiền lương cao hơn nhưng chưa thể khẳng định là bên mình là nơi có Mức tiền lương cao nhất.
Ví dụ:
Tiền lương bên anh trả cho anh Minh ghi trong hợp đồng lao động là 10 triệu; bao gồm: Mức lương là 5 triệu, Phụ cấp là 1 triệu, 4 triệu còn lại là các khoản bổ sung khác.
Trong khi đó, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của anh Minh tại doanh nghiệp nhà nước là 9 triệu; bao gồm: Mức lương là 5.5 triệu, không có Phụ cấp và 4.5 triệu còn lại là các khoản bổ sung khác.
Có thể thấy, tuy rằng bên anh có tiền lương cao nhất trong số 02 hợp đồng lao động mà anh Minh đang giao kết nhưng bên anh lại không phải là nơi có Mức tiền lương cao nhất (5 triệu < 5.5 triệu). Do đó, bên anh Minh không tham gia BHYT theo hợp đồng lao động với bên anh mà tiếp tục tham gia với doanh nghiệp nhà nước kia.
Ngược lại, anh Minh chuyển sang tham gia BHYT với bên anh nếu mức lương của bên anh cao hơn mức lương mà doanh nghiệp nhà nước trả cho anh Minh.
Từ những nội dung trình bày ở trên, anh xác định lại trách nhiệm đóng BHYT của bên mình đối với anh Minh.
Trong trường hợp anh Minh sẽ tham gia BHYT với bên anh, thì bên anh yêu cầu anh Minh cung cấp các giấy tờ cần thiết để tiến hành báo tăng lao động đóng BHYT với cơ quan bảo hiểm xã hội - anh xem chi tiết tại phần Lưu ý nằm cuối nội dung công việc Giao kết Hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở nơi khác.
Vì mức hưởng BHYT của anh Minh không có thay đổi kể cả khi chuyển sang tham gia BHYT với bên anh (vẫn là 80% cùng nhóm đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 6, Điều 1 của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014); cho nên, việc có cấp lại thẻ BHYT khác cho anh Minh hay không, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xem xét thực hiện.
Về vấn đề xác định trách nhiệm tham gia Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 43 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015:
"Điều 43. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
2. Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định."
Do đó, bên anh và doanh nghiệp nhà nước kia đều tính đóng Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với anh Minh.
Trên đây là một vài ý kiến trao đổi cùng anh.
Cảm ơn anh đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc anh thật nhiều sức khỏe.