Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng phương pháp trực tiếp để tính thuế giá trị gia tăng thì tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp được xác định như sau:
>> Trách nhiệm kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng của chi nhánh
>> Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng
Hiện nay có 02 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) là phương pháp tính trực tiếp và phương pháp khấu trừ.
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC), phương pháp tính trực tiếp, bao gồm: tính bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu và tính bằng GTGT nhân với thuế suất thuế GTGT (chỉ áp dụng với hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý). Cụ thể như sau:
Tính thuế giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu là hình thức tính thuế được áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng sau:
- Doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
- Doanh nghiệp mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
- Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
Cách tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên doanh thu:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Tỷ lệ % | x | Doanh thu |
Trong đó:
- Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.
Ví dụ: Công ty cổ phần A là doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Công ty cổ phần A có doanh thu phát sinh từ hoạt động bán phần mềm máy tính và dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp thì Công ty cổ phần A không phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ (%) trên doanh thu từ hoạt động bán phần mềm máy tính (do phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT) và phải kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 5% trên doanh thu từ dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp.
Nếu cơ sở kinh doanh có nhiều ngành nghề có mức tỷ lệ khác nhau thì phải khai thuế GTGT theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định. Trường hợp người nộp thuế không xác định được doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không tách được thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Tỷ lệ % được quy định theo từng hoạt động như sau:
+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
Doanh nghiệp có thể tra cứu tỷ lệ % của từng hoạt động cụ thể tại Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu (tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 219/2013/TT-BTC).
Tuy nhiên kể từ ngày 01/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024, doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp này được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT (nêu trên) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 94/2023/NĐ-CP.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý thì thuế GTGT được tính theo phương pháp trực tiếp trên GTGT theo công thức sau:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Giá trị gia tăng | x | Thuế suất thuế GTGT |
Trong đó:
- Thuế suất thuế GTGT đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý là 10%, trừ các trường hợp được áp dụng mức thuế suất 0% theo quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC (căn cứ Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC).
- Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định theo công thức sau:
Giá trị gia tăng | = | Giá bán ra | - | Giá mua vào |
+ Giá bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế GTGT và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.
+ Giá mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.
Nếu trong kỳ tính thuế phát sinh GTGT âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào GTGT dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh GTGT dương (+) hoặc GTGT dương (+) không đủ bù trừ GTGT âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào GTGT của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, GTGT (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau.
Ví dụ: Trong kỳ tính thuế, Công ty cổ phần A có phát sinh:
- GTGT âm đối với vàng 18K là: - 100 triệu đồng (do giá bán ra thấp hơn giá mua vào)
- GTGT dương đối với vàng 24K là 200 triệu đồng
Như vậy, công ty A được tính bù trừ GTGT âm của vàng 18K vào GTGT dương của vàng 24K. Theo đó, số tiền thuế GTGT mà công ty A phải nộp cho cơ quan thuế trong kỳ được xác định như sau:
(200 - 100) x 10% = 10 triệu đồng
>> Quý khách hàng xem thêm mẫu:
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động sản xuất kinh doanh) - MS01-GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Phụ lục bảng phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động sản xuất thủy điện - MS01-2GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Phụ lục bảng phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán - MS01-3GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Phụ lục bảng phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp (trừ sản xuất thủy điện, kinh doanh xổ số điện toán) - MS01-6GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi đóng trụ sở chính) - MS05-GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế) - MS02GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng) - MS03GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng (áp dụng đối với người nộp thuế tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu) - MS04GTGT ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.