Chào PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP: Tôi bắt đầu làm việc với Công ty X năm 2014 và đã ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 14/1/2022, tôi viết đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 01/3/2022 (45 ngày từ ngày viết đơn). Đến ngày 25/2/2022, Công ty X ra thông báo không cho tôi được nghỉ việc. Tuy nhiên tôi vẫn nghỉ việc kể từ ngày 01/3/2022. Đến ngày 10/3/2022, Công ty X ra thông báo sa thải tôi vì lý do vắng mặt quá 5 ngày trong tháng tính từ ngày 01/03/2022. Vậy việc làm của công ty là đúng hay sai?
>> Doanh nghiệp yêu cầu thử việc quá thời gian quy đinh sẽ bị xử lý như thế nào?
>> Bồi thường thiệt hại khi người lao động làm thất thoát tài sản
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
1. Công ty có được không cho nghỉ việc
Tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động như sau:
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Như vậy, việc anh/chị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, việc Công ty ra thông báo không chấp cho bạn nghỉ việc là trái với quy định của pháp luật.
2. Việc sa thải có đúng luật?
Việc Công ty căn cứ vào thời gian bạn nghỉ việc từ ngày 01/3/2022 đến ngày 10/3/2022 để ra quyết định sa thải bạn vì lý do vắng mặt quá 5 ngày trong tháng là không đúng quy định pháp luật. Vì từ ngày 01/3/2022 bạn đã nghỉ việc theo quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.
Bên cạnh đó, thì để sa thải nhân viên công ty cần phải tuân thủ những quy định về trình tự sa thải người lao động về vấn đề này được Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
- Công ty phải gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.
- Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp đã nêu trên phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp.
- Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo theo các quy định trên. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động
- Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp nêu trên và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.
Vì vậy, với căn cứ sa thải và việc thực hiện thủ tục sa thải không đúng quy định thì việc Công ty ra quyết định sa thải đối với anh/chị là hành vi trái với quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!