PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Vợ tôi vừa bị sảy thai, tình hình sức khỏe và tâm lý của cô ấy không tốt nên rất cần người chăm sóc và động viên tinh thần. Tôi có được hưởng chế độ thai sản khi nghỉ việc chăm sóc vợ không? Mong được hỗ trợ
>> Nhân viên văn phòng bị đau thắt lưng do làm việc thì có được xem là bệnh nghề nghiệp không?
>> Phải làm gì khi đủ số năm đóng BHXH mà chưa đến độ tuổi nghỉ hưu nhưng không muốn đóng tiếp?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Cùng với đó, khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng chỉ quy định một trường hợp duy nhất mà lao động nam được hưởng chế độ thai sản là khi đang đóng BHXH mà có vợ sinh con.
Thời gian lao động nam được nghỉ hưởng chế độ chế thai sản khi vợ sinh con được xác định cụ thể theo khoản 2 Điều 34 Luật BHXH như sau:
- Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật được nghỉ 14 ngày làm việc.
- Vợ sinh đôi được nghỉ 10 ngày làm việc; sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.
- Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 10 ngày.
- Vợ sinh 01 con, sinh thường được nghỉ 05 ngày làm việc.
Như vậy, theo quy định này khi bị sẩy thai thì chỉ có lao động nữ mới được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (không đề cập đến lao động nam).
Tuy nhiên, nếu muốn dành thời gian để chăm sóc vợ mới sẩy thai, lao động nam xin nghỉ theo một trong 02 cách sau:
Cách 1: Xin nghỉ phép năm
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định NLĐ làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động sẽ được nghỉ phép từ 12 - 16 ngày/năm. Bên cạnh đó, mỗi 05 năm làm việc cho 01 NSDLĐ, NLĐ còn được cộng thêm tương ứng 01 ngày vào số phép hằng năm của mình. Trong những ngày nghỉ phép năm, người lao động được nghỉ làm mà vẫn được trả đủ lương theo hợp đồng lao động.
Do đó, nếu muốn nghỉ chăm sóc vợ sẩy thai mà vẫn nhận đủ tiền lương, Anh có thể chủ động đề nghị nghỉ phép năm với NSDLĐ.
Cách 2: Xin nghỉ không hưởng lương
Căn cứ khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, nếu không thuộc các trường hợp được nghỉ theo quy định, người lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Lưu ý:
- Trường hợp này bắt buộc phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động.
- Trường hợp này pháp luật không giới hạn cụ thể thời gian nghỉ tối đa nên các bên có thể tự thỏa thuận với nhau và NLĐ cũng không được hưởng lương trong thời gian nghỉ.
- Nếu nghỉ không lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó, người lao động thì không đóng BHXH (theo khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!