Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện thông qua trình tự nào? Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là bao lâu? – Kiều Trinh (Đắk Lắk).
>> Năm 2023, việc đấu thầu quốc tế được quy định như thế nào?
>> Quy định về cấp phép, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ năm 2023?
Căn cứ Điều 37 Luật Đấu thầu 2013 (được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 6 và Điều 7 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT), việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2023 được quy định chi tiết như sau:
Trình duyệt và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện như sau:
Bước 1: Trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Chủ đầu tư trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bước 2: Tiến hành thẩm định kế hoạch
(i) Người có thẩm quyền giao tổ chức thẩm định tiến hành thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
(ii) Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là việc kiểm tra, đánh giá và đưa ra ý kiến nhận xét căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan về các nội dung sau đây:
- Việc phân chia dự án thành các gói thầu:
Việc phân chia dự án thành các gói thầu căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý về quy mô gói thầu.
- Căn cứ pháp lý để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
Về cơ sở pháp lý của việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và những lưu ý cần thiết (nếu có).
- Nội dung văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
+ Về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT và về sự tuân thủ hoặc phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu, của pháp luật khác có liên quan cũng như yêu cầu của dự án và những lưu ý cần thiết khác (nếu có) đối với phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm các nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT.
+ Về sự phù hợp của tổng giá trị các phần công việc đã thực hiện, phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu, phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có) so với tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt.
- Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu:
Trường hợp cần có nội dung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu thì đề xuất người có thẩm quyền cử cá nhân hoặc đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT để tham gia giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2023 được quy định thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Bước 3: Nhận xét chung về kế hoạch và ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất
Tổ chức thẩm định đưa ra nhận xét chung về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và ý kiến thống nhất hay không thống nhất với đề nghị của chủ đầu tư đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Trường hợp thống nhất thì đề nghị người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp không thống nhất phải đưa ra lý do cụ thể và đề xuất biện pháp giải quyết để trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bước 4: Lập báo cáo thẩm định
Tổ chức được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập báo cáo thẩm định theo Mẫu số 2 kèm theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT để trình người có thẩm quyền phê duyệt.
Lưu ý:
- Thời gian thẩm định tối đa là 20 ngày kể từ ngày tổ chức thẩm định nhận đủ hồ sơ trình duyệt đến ngày gửi báo cáo thẩm định đến người có thẩm quyền.
- Đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước, sau khi chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu thì trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày giao thầu, chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục trình người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trong trường hợp này không bắt buộc phải thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Căn cứ báo cáo thẩm định, người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng văn bản để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu, sau khi dự án được phê duyệt hoặc đồng thời với quyết định phê duyệt dự án trong trường hợp đủ điều kiện.
Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập theo Mẫu số 3 kèm theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT.
- Trường hợp cần thiết theo đề xuất của tổ chức thẩm định, người có thẩm quyền quyết định việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, đặc biệt đối với các chủ đầu tư thường bị nhà thầu thắc mắc, kiến nghị; đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu; đối với các gói thầu có giá trị lớn, đặc thù, yêu cầu cao về kỹ thuật.
Trường hợp có yêu cầu về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu thì trong quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải quy định rõ nội dung này trong phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu cụ thể gói thầu có yêu cầu về giám sát, theo dõi và tên của cá nhân hoặc đơn vị thực hiện giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu.
- Người có thẩm quyền cử cá nhân hoặc đơn vị có chức năng quản lý về hoạt động đấu thầu tham gia giám sát, theo dõi việc thực hiện của chủ đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu để bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tối đa là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của tổ chức thẩm định.