Tôi sắp mở cửa hàng vật dụng mẹ và bé, tôi muốn quảng cáo thông qua việc gửi mail cho khách hàng, hiện nay pháp luật quy định về việc này như thế nào? – Quang Đạt (Quảng Bình).
>> Hồ sơ, trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn 2023?
>> Năm 2023, có được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu doanh nghiệp không?
Theo Điều 24 Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác được quy định như sau:
(1) Quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo:
- Tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận;
- Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá ba tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại, quá ba thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận;
- Tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo; phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo và không được thu phí dịch vụ đối với thông báo từ chối của người nhận.
(2) Quảng cáo bằng các hình thức khác trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác phải tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Việc quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị viễn thông 2023 như thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định như sau:
Điều 7. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo
1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Thuốc lá.
3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Có thể thấy, bên cạnh việc quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác phải đáp ứng được những quy định nêu tại Mục 1, thì đối tượng quảng cáo không được thuộc những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo nêu tại Mục này.
Căn cứ tại Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 quy định về xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo như sau:
- Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật Quảng cáo 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật Quảng cáo 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Hành vi, hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo xem chi tiết tại Chương III và Chương IV Nghị định 38/2021/NĐ-CP.