Đối thoại tại nơi làm việc là gì? Trường hợp vi phạm về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể thì pháp luật quy định mức phạt như thế nào? – Uyên Thi (Thái Bình).
>> Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề 2023, bị phạt thế nào?
>> Năm 2023, vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động sẽ bị phạt thế nào?
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
- Tại Điều 65 Bộ luật Lao động 2019 quy định thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Vi phạm về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể 2023 sẽ bị phạt thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ vào Điều 15 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động nếu thực hiện một trong những hành vi sau đây thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
- Không xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.
- Không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; không thực hiện đối thoại khi có yêu cầu; không phối hợp tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật.
- Không công khai nội dung chính của đối thoại hoặc quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.
- Không bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc.
- Không cử hoặc cử không đúng thành phần đại diện bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc theo quy định.
- Không báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.
Tại Điều 16 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định chi tiết những mức phạt tương ứng nếu người sử dụng lao động có một trong các hành vi vi phạm dưới đây:
(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Người sử dụng lao động có hành vi cung cấp thông tin không đúng thời hạn theo quy định hoặc cung cấp thông tin sai lệch về: tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh; nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng theo quy định khi đại diện người lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
(2) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi gười sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không cung cấp thông tin về: tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh; nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng theo quy định khi đại diện người lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể.
- Không bố trí thời gian, địa điểm hoặc các điều kiện cần thiết để tổ chức các phiên họp thương lượng tập thể.
(3) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
Đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng:
- Từ chối thương lượng tập thể khi nhận được yêu cầu của bên yêu cầu thương lượng.
- Gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động thảo luận, lấy ý kiến người lao động.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền trên đây là của cá nhân, nếu tổ chức vi phạm cùng một hành vi thì gấp đôi mức phạt của cá nhân.