Văn phòng giao dịch có phải là văn phòng đại diện? 03 lưu ý khi đặt tên văn phòng đại diện? Thương nhân nước ngoài thành lập văn phòng đại diện Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì?
>> Lương cơ bản là gì? Tiền thưởng của NLĐ được quy định thế nào?
>> Thời gian tối đa doanh nghiệp được phép tạm ngừng kinh doanh là bao lâu?
Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Văn phòng giao dịch không phải là một thuật ngữ pháp lý. Đây là khái niệm do công ty tự đặt khi đăng ký địa điểm kinh doanh. Nói cách khác văn phòng giao dịch là địa điểm mà doanh nghiệp sử dụng để thực hiện các hoạt động giao dịch, tiếp khách hàng, ký kết hợp đồng hoặc các công việc hành chính khác.
Có thể thấy, văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó, văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh. Còn văn phòng giao dịch là nơi doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Như vậy, văn phòng đại diện và văn phòng giao dịch là khác nhau.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Văn phòng giao dịch không phải là văn phòng đại diện (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020, khi đặt tên văn phòng đại diện cần lưu ý như sau:
- Tên văn phòng đại diện phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
- Tên văn phòng đại diện phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ, cụm từ “Văn phòng đại diện”.
- Tên văn phòng đại diện phải được viết hoặc gắn tại văn phòng đại diện. Tên văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do văn phòng đại diện phát hành.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thương nhân nước ngoài được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận.
- Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký.
- Trong trường hợp giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ.
- Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Trường hợp nội dung hoạt động của văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).
Lưu ý: Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn (theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 07/2016/NĐ-CP).