Có phải từ ngày 01/10/2024, nhà đầu tư sẽ ngừng giao dịch chứng khoán trực tuyến nếu chưa cập nhật Căn cước?
>> Thuê nhà xưởng để đầu tư trong khu công nghệ cao cần đáp ứng, tuân thủ điều kiện, nghĩa vụ gì?
>> Có phải làm lại giấy phép kinh doanh vận tải khi đổi địa chỉ kinh doanh hay không?
Ngày 19/7/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Công văn 4501/UBCK-CNTT về việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư, trong đó có nội dung yêu cầu nhà đầu tư chứng khoán cập nhật căn cước công dân/căn cước. Trong đó có nội dung quy định về đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán như sau:
Căn cứ Công văn 4501/UBCK-CNTT năm 2024, đối với các nhà đầu tư đang có phát sinh giao dịch nhưng không phối hợp để chuẩn hóa thông tin: Đề nghị các đơn vị chủ động, có giải pháp giới hạn về cung cấp dịch vụ, trên nguyên tắc đảm bảo các quy định hiện hành để thúc đẩy công tác chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Kể từ ngày 01/10/2024, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 4 Thông tư 134/2017/TT-BTC; đề nghị các đơn vị chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến đối với các tài khoản có thông tin nhà đầu tư khớp đúng với CSDLQGDC/hệ thống định danh và xác thực điện tử/căn cước công dân gắn chip/căn cước. Các trường hợp không phối hợp để cập nhật, chuẩn hóa thông tin, đề nghị các đơn vị yêu cầu nhà đầu tư đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại quầy và tiếp tục có biện pháp chuẩn hóa thông tin dữ liệu khi nhà đầu tư giao dịch trực tiếp tại quầy.
Đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với C06 và các đơn vị có liên quan để thực hiện công tác xác thực, chuẩn hóa dữ liệu, thông tin của nhà đầu tư và có giải pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện.
Như vậy, từ ngày 01/10/2024, nhà đầu tư có tài khoản chưa cập nhật Căn cước thì sẽ ngừng giao dịch chứng khoán trực tuyến và sẽ thực hiện giao dịch tại quầy.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Từ 01/10/2024 sẽ ngừng giao dịch chứng khoán trực tuyến nếu chưa cập nhật Căn cước
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 47 Luật Chứng khoán 2019, quy định về thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam như sau:
Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam bao gồm:
(i) Thành viên giao dịch là công ty chứng khoán được Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên giao dịch.
(ii) Thành viên giao dịch đặc biệt là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên giao dịch đặc biệt.
Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có các quyền như sau:
(i) Sử dụng hệ thống giao dịch chứng khoán và các dịch vụ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con cung cấp.
(ii) Nhận các thông tin về thị trường giao dịch chứng khoán từ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con.
(iii) Đề nghị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam làm trung gian hòa giải khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của thành viên giao dịch.
(iv) Đề xuất và kiến nghị các vấn đề liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con.
(v) Quyền khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có nghĩa vụ:
(i) Chịu sự giám sát của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con đối với hoạt động giao dịch chứng khoán và hoạt động công bố thông tin theo quy định tại quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
(ii) Công bố thông tin theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
(iii) Hỗ trợ các thành viên giao dịch khác theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong trường hợp cần thiết.
(iv) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.