Trong hợp đồng lao động thì vị trí công việc của tôi là kế toán; tuy nhiên, thực tế công ty bố trí công việc không đúng như trong hợp đồng. Tôi phải làm sao? – Mỹ Ái (Bến Tre).
>> Nhân viên đã nghỉ việc, công ty có được bắt họ bồi thường thiệt hại?
>> Nghỉ làm khi con bị bệnh, người lao động được hưởng chế độ gì hay không?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải bố trí công việc đúng như hợp đồng lao động đã thỏa thuận trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019.
Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, công ty được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
- Gặp khó khăn đột suất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước.
- Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh: người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn có thể xảy ra một trong hai trường hợp sau:
- Nếu công ty thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 thì được phép bố trí người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong khoảng thời gian theo quy định của pháp luật.
- Nếu công ty không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 thì không được bố trí bạn làm công việc khác với hợp đồng lao động. Trong trường hợp này bạn có thể đến gặp và trao đổi với công ty về việc bố trí công việc như đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trong trường hợp bạn đã có ý kiến nhưng công ty vẫn không bố trí công việc đúng với hợp đồng thì bạn nên nhờ công đoàn hỗ trợ; nếu vẫn không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng thì nên tiến hành việc khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp bạn không muốn tiếp tục làm việc tại đây thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
Tôi phải làm gì khi công ty bố trí công việc không đúng như hợp đồng lao động? (Ảnh minh họa – Nguồn từ internet)
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
...
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn nếu như công ty không thuộc trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, mà bố trí công việc không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước.
Căn cứ khoản 1 Điều 6 và điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng có hành vi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do; thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 06 triệu đồng đến 14 triệu đồng.
Ngoài ra, tại điểm c khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP còn buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm công việc đúng với hợp đồng lao động đã giao kết.