Nhân viên đã nghỉ việc thì công ty mới phát hiện họ làm hư tài sản của công ty. Vậy công ty có được phép bắt họ bồi thường thiệt hại hay không? – Hoài Ngọc (Cà Mau).
>> Nghỉ làm khi con bị bệnh, người lao động được hưởng chế độ gì hay không?
>> Nhân viên nghỉ việc, công ty được “giam lương” tối đa bao nhiêu ngày?
Theo như thông tin bạn cung cấp thì nhân viên làm hư hại tài sản công ty tại thời điểm còn là người lao động của công ty bạn, vậy nên trong trường hợp này sẽ áp dụng pháp luật lao động để giải quyết.
Căn cứ khoản 1 Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, bồi thường thiệt hại trong lao động được quy định như sau:
Điều 129. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Như vậy, trong trường hợp này công ty bạn vẫn có thể yêu cầu nhân viên đó bồi thường thiệt hại nếu còn thời hiệu theo như phân tích tại Mục 2 bên dưới.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
Nhân viên đã nghỉ việc, công ty có được bắt họ bồi thường thiệt hại? (Ảnh minh họa – Nguồn từ internet)
Khoản 1 Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại như sau:
Điều 72. Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại
Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 được quy định như sau:
1. Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 06 tháng kể từ ngày người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
Như vậy, công ty bạn vẫn có thể yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại dù đã nghỉ việc nếu vẫn còn trong khoảng thời gian 06 tháng kể từ ngày người lao động có hành vi làm hư hỏng tài sản công ty.
Căn cứ Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019.
Cũng theo khoản 1 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019, việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Như vậy, trong trường hợp của công ty bạn, mức bồi thường thiệt hại được thực hiện như sau:
- Trường hợp người lao động gây thiệt hại do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường thiệt hại nhiều nhất là 03 tháng lương. Trong trường hợp này công ty và người lao động thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại nhưng không vượt quá 03 tháng lương của người lao động. Hơn nữa, sẽ không áp dụng hình thức khấu trừ lương do người lao động đã nghỉ việc.
- Trường hợp người lao động gây thiệt hại hơn 10 tháng lương cơ sở hoặc không do sơ suất thì các bên thỏa thuận mức độ bồi thường dựa vào mức độ lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Trong trường hợp không thể thoả thuận được thì công ty bạn cần tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.