Tôi thường nghe nói về thuế môn bài bậc 2, vậy thuế môn bài bậc 2 là gì? Thuế môn bài trong năm 2024 được quy định tại văn bản nào? Mong được giải đáp! – Minh Phú (Hưng Yên).
>> Năm 2024, tiền lương bao nhiêu một tháng mới phải đóng thuế TNCN?
>> Thuế TNCN lũy tiến là gì? Biểu thuế TNCN lũy tiến năm 2024 như thế nào?
- Thuật ngữ thuế môn bài:
Thuật ngữ “thuế môn bài” được sử dụng sử dụng khá phổ biến và được quy định rõ về mức thu tại Pháp lệnh 10-LCT/HĐNN7 năm 1983.
Từ ngày 01/01/2017 đến nay, thuật ngữ “thuế môn bài” không còn được sử dụng trong văn bản pháp luật của nhà nước, mà thay vào đó là sử dụng thuật ngữ “lệ phí môn bài”. Do đó, thuế môn bài 2024 mà nhiều người thường gọi thực chất là lệ phí môn bài 2024.
- Thuật ngữ thuế môn bài bậc 2:
Pháp luật hiện hành không có khái niệm về thuế môn bài bậc 2. Tuy nhiên, thực tế mọi người thường dùng thuế môn bài bậc 2 để chỉ cho trường hợp mức lệ phí môn bài ở bậc 2 theo điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống thì mức lệ phí môn bài là 2.000.000 đồng/năm.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 20/12/2022) |
Giải đáp thắc mắc thuế môn bài bậc 2 là gì (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Thuế môn bài trong năm 2024 được quy định tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP), cụ thể như sau:
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
(i) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm.
(ii) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm.
(iii) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại khoản (i) và khoản (ii) Mục này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
(i) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm.
(ii) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm.
(iii) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trường hợp 1: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp):
- Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
- Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Trường hợp 2: Người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điêu kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.