PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Tôi thành lập Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ, 1 cổ đông góp quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, 3 cổ đông sáng lập thoả thuận làm biên bản định giá quyền sở hữu trí tuệ đó là 75 tỷ thì thủ tục góp vốn quyền sở hữu trí tuệ đó như thế nào? Mong được hỗ trợ
>> Có bắt buộc phải nhờ tổ chức thẩm định giá khi góp vốn thành lập doanh nghiệp?
>> Doanh nghiệp có bắt buộc tăng lương hằng năm cho người lao động không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Định giá tài sản
Theo khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Do đó, quyền sở hữu trí tuệ phải được định giá và thể hiện thành Đồng Việt Nam.
- Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.
- Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
- Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Bước 2: Lập hợp đồng góp vốn
Trong hợp đồng góp vốn, cần phải thể hiện được đầy đủ các nội dung cơ bản của việc góp vốn như: Bên góp vốn, Bên nhận góp vốn (tên, địa chỉ, …); Quyền sở hữu trí tuệ cụ thể ( Chủ giấy chứng nhận/ chủ bằng độc quyền,…; số đơn; ngày nộp đơn; quyết định cấp; thời hạn bảo hộ,…); giá trị quyền sở hữu trí tuệ; thời hạn góp vốn; mục đích góp vốn; đăng ký góp vốn và nộp lệ phí; cam đoan của các bên,…
Bước 3: Chuyển quyền sở hữu trí tuệ sang cho doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tài sản quyền sở hữu trí tuệ phải chuyển quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp. Do đó, các cá nhân tổ chức chuyển quyền sở hữu chí tuệ thông qua việc thay đổi chủ sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ khoản 6 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì nhãn hiệu khi chuyển giao quyền sở hữu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
Do đó, các cá nhân tổ chức muốn chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp thì cần phải thực hiện chuyển giao quyền sở hữu dưới hình thức hợp đồng lập bằng văn bản.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!