Pháp Lý Khởi Nghiệp cho tôi hỏi: tôi hiện đang là nhân viên IT của một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh. Công ty có cam kết sẽ tăng lương cho nhân viên mỗi năm một lần. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tôi không được xét tăng lương. Vậy trong trường hợp này, công ty làm vậy là đúng hay sai?
>> Mức thu, chi đoàn phí công đoàn, kinh phí công đoàn năm 2022 là bao nhiêu?
>> Thời gian nợ lương tối đa của DN đối với người lao động là bao lâu?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Tại Điểm e Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội dung hợp đồng lao động như sau:
“Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
...
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;”
Có thể thấy, chế độ nâng bậc, nâng lương là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động. Theo đó, chế độ nâng bậc, nâng lương được xây dựng theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật (căn cứ Khoản 7 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH).
Như vậy, pháp luật về lao động không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải tăng lương hằng năm cho người lao động. Việc tăng lương sẽ phải thực hiện theo quy định tại hợp đồng lao động được ký kết giữa hai bên.
Do đó, anh/chị cần xem kỹ lại điều khoản về chế độ nâng bậc, nâng lương trong hợp đồng lao động để xác định thời gian và điều kiện xét tăng lương. Nó có thể được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động hoặc được dẫn chiếu đến quy định của nội quy lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Nếu có quy định về việc công ty sẽ xét tăng lương mỗi năm một lần và anh/chị nhận thấy mình đáp ứng đủ điều kiện để được tăng lương mà vẫn chưa được tăng lương thì anh/chị có thể kiến nghị lên ban lãnh đạo của công ty để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 và Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, người lao động và người sử dụng lao động đều có nghĩa vụ phải thực hiện đúng theo các quy định tại hợp đồng lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và các thỏa thuận khác giữa hai bên.
Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thực hiện đúng theo các quy định về tăng lương theo hợp đồng lao động, nội quy lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể. Nếu người sử dụng lao động cố tình không thực hiện việc tăng lương theo thỏa thuận có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền với các mức sau đây:
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!