Năm 2023, công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp nào? Khi giảm vốn điều lệ thì cần tiến hành những thủ tục gì? – Huy Khánh (Nghệ An).
>> Website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?
>> Chu kỳ kiểm định của xe cơ giới năm 2023 được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 68, khoản 3 Điều 87, khoản 5 Điều 112, khoản 3 Điều 178, Điều 185, khoản 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty được giảm vốn điều lệ trong các trường hợp sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.
- Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo yêu cầu của thành viên này khi thành viên này đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên theo quy định tại Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty.
- Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.
- Công ty mua lại cổ phần đã bán theo yêu cầu của cổ đông và theo quyết định của công ty quy định tại Điều 132 và Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020.
Công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc khai trừ thành viên góp vốn khỏi công ty và chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. Cụ thể như sau:
- Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
- Thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây:
+ Tự nguyện rút vốn khỏi công ty.
+ Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
+ Bị khai trừ khỏi công ty khi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020.
+ Chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định về việc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tục giảm vốn điều lệ công ty năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Căn cứ Điều 51, Điều 55 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, vốn đầu tư năm 2023 được quy định như sau:
Thành phần hồ sơ
(i) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký (theo Mẫu quy định tại Phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
- Báo cáo tài chính gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên giảm vốn điều lệ (trường hợp giảm do vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn thì không cần nộp báo cáo này).
Lưu ý: Trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn.
(ii) Đối với doanh nghiệp tư nhân
Thông báo về việc thay đổi vốn đầu tư (theo Mẫu quy định tại Phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).
Nơi nộp hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch – Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời gian giải quyết:
Sau khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (căn cứ khoản 1 Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Đồng thời, công ty cần tiến hành công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi giảm vốn điều lệ, vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, nếu việc giảm vốn điều lệ dẫn đến việc thay đổi số cổ đông/thành viên của công ty xuống dưới số lượng cổ đông/thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty cần tiến hành thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.