Hiện nay, website hay sàn giao dịch thương mại điện tử đã trở nên rất phổ biến. Vậy, website/sàn thương mại điện tử được hiểu chính xác là gì? – Thanh Trường (Hà Tĩnh).
>> Chu kỳ kiểm định của xe cơ giới năm 2023 được quy định như thế nào?
>> Năm 2023, công ty kinh doanh thuốc lá có được khuyến mại thuốc lá?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:
Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Một số sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Việt Nam có thể kể đến như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, v.v.
Lưu ý: Sàn giao dịch thương mại điện tử được đề cập trong bài viết này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử là gì? (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định 85/2021/NĐ-CP), những hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử bao gồm:
- Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
- Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác.
- Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký theo các quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP (Xem hướng dẫn thủ tục đăng ký TẠI ĐÂY).
- Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép.
- Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.
- Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử.
- Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận.
- Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác.
- Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.
- Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử.
- Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử.
- Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.
- Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.