Khi nào nhà đầu tư chấm dứt hoạt động dự án đầu tư? Khi nào dự án đầu tư bị cơ quan nhà nước chấm dứt hoạt động? Thanh lý dự án đầu tư sau khi chấm dứt hoạt động như thế nào?
>> Lệ phí cấp giấy phép văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
(i) Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
(ii) Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp.
(iii) Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Như vậy, nhà đầu tư chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo 03 trường hợp trên.
Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực năm 2024 |
Khi nào nhà đầu tư chấm dứt hoạt động dự án đầu tư
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 2 Luật số 57/2024/QH15), cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
(i) Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 Luật Đầu tư 2020 mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động.
(ii) Sau 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư hoặc mục tiêu hoạt động của từng giai đoạn (nếu có) mà nhà đầu tư vẫn không hoàn thành mục tiêu hoạt động này và không thuộc trường hợp được điều chỉnh tiến độ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản (iv) Mục này.
(iii) Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản (iv) Mục này.
(iv) Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư.
(v) Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
(vi) Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
(vii) Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự.
(viii) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
Căn cứ khoản 8 Điều 57 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, sau khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện như sau:
(i) Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản.
(ii) Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì việc xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
(iii) Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản tổ chức kinh tế.
Trên đây là thông tin giải đáp về “Khi nào nhà đầu tư chấm dứt hoạt động dự án đầu tư? Trường hợp nào dự án đầu tư bị cơ quan nhà nước chấm dứt hoạt động? Thanh lý dự án đầu tư sau khi chấm dứt hoạt động như thế nào?”.