Thư mời thử việc có thể dùng làm căn cứ để đóng truy thu bảo hiểm xã hội không? – Đây là thắc mắc của anh Khoa (Diễn Châu, Nghệ An)
>> Nghỉ ngang thì có phải bồi thường cho công ty?
>> Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và sa thải giống hay khác nhau?
Cụ thể, anh Khoa thắc mắc: “Công ty tôi hiện không có hợp đồng thử việc mà chỉ có thư mời thử việc trong giai đoạn thử việc. Thư mời này có thể làm căn cứ đóng truy thu BHXH được không?”
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì truy thu là việc cơ quan BHXH thu khoản tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
Như vậy, theo quy định nói trên thì truy thu bảo hiểm xã hội áp dụng với trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, căn cứ điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định những trường hợp NLĐ làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Như vậy, người lao động làm việc theo thư mời thử việc không thuộc một trong các trường hợp phải đóng bảo hiểm xã hội.
Do đó, trường hợp của công ty anh do NLĐ thử việc theo thư mời thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên không thể thực hiện đóng truy thu BHXH.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!