Năm 2023, quy định pháp luật về thời gian thử việc là như thế nào, trách nhiệm của doanh nghiệp sau khi kết thúc thời gian thử việc? – Mỹ Dung (Hà Nội).
>> Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động năm 2023?
>> Các trường hợp doanh nghiệp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động năm 2023?
Tôi vừa tốt nghiệp đại học và trúng tuyển vào vị trí kế toán tại công ty X, công ty yêu cầu tôi thử việc 3 tháng trước khi làm chính thức, quy định pháp luật về thời gian thử việc là như thế nào, yêu cầu của công ty X có trái quy định pháp luật không?
Thời gian thử việc là thời gian mà người sử dụng lao động và người lao động đã có thỏa thuận về nội dung công việc làm thử trước khi ký hợp đồng chính thức.
Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 thì thời gian thử việc do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận dựa trên tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được phép thử việc một lần đối với một công việc, đồng thời phải đảm bảo thời gian thử việc như sau:
- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Đối với trường hợp của bạn vừa mới tốt nghiệp Đại học, ứng tuyển tại vị trí nhân viên kế toán tại công ty X thì thời gian thử việc tối đa không được quá 60 ngày. Do đó, công ty yêu cầu bạn thử việc trong vòng 03 tháng là không đúng quy định của pháp luật về thời gian thử việc.
Theo điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 3 Điều 10, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp có hành vi thử việc quá thời gian quy định thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và phải trả đủ tiền lương của công việc cho người lao động.
>> Xem thêm chi tiết công việc: Giao kết hợp đồng thử việc trong doanh nghiệp
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Thời gian thư việc với người lao động từ năm 2023 là bao lâu? (Ảnh minh họa)
Sau khi kết thúc thời gian thử việc, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
- Nếu thử việc đạt yêu cầu: doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
- Nếu thử việc không đạt yêu cầu: thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc giữa doanh nghiệp và người lao động.
Lưu ý: Trường hợp sau khi hết thời gian thử việc mà doanh nghiệp không thông báo kết quả thử việc cho người lao động thì doanh nghiệp có thể bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Hiện nay, pháp luật không có quy định về hết hạn hợp đồng thử việc mà tiếp tục làm việc thì tự chuyển sang hợp đồng chính thức.
Đối với trường hợp người lao động vẫn tiếp tục làm việc sau khi hết thời gian thử việc thì người lao động cần đề nghị phía công ty ký hợp đồng lao động với mình.
Trường hợp, người lao động không may bị công ty cho nghỉ việc trong thời gian tiếp tục làm việc mà không có hợp đồng lao động, người lao động có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình bằng những phương thức sau:
- Khiếu nại đến Chánh Thanh tra lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở.