PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Tôi phải xin nghỉ không lương để giải quyết một số công việc. Vậy trong thời gian nghỉ này tôi có được tham gia BHYT không? Tôi cảm ơn!
>> Lao động nam hưởng chế độ thai sản như thế nào?
>> Có được nhờ người nhận hộ tiền trợ cấp thất nghiệp không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ theo khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH:
Trong thời gian người lao động nghỉ làm không hưởng lương, việc đóng và tính hưởng bảo hiểm bắt buộc được quy định như sau:
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Theo đó, sẽ xảy ra hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Nghỉ không hưởng lương dưới 14 ngày làm việc/tháng.
Trường hợp này, người lao động vẫn được tính đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi về BHYT.
Trường hợp 2: Nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày trở lên/tháng.
Tại tháng người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày trở lên, người sử dụng lao động sẽ tiến hành thủ tục báo giảm lao động và không đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của tháng đó. Do vậy, người lao động trong trường hợp này sẽ không được đóng BHYT.
Kéo theo đó, thẻ BHYT đã được cấp sẽ không có giá trị sử dụng. Vì vậy, người lao động khi đi khám chữa bệnh sẽ không được hưởng chế độ BHYT.
Lưu ý: Trường hợp nghỉ không lương nhưng do nghỉ ốm đau, thai sản thì vẫn được hưởng quyền lợi về BHYT.
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trừ những người thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đều được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình.
Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 1 Nghị định này, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT theo nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
Trường hợp nghỉ không lương mặc dù không tính đóng BHYT nhưng do người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động nên vẫn được coi là đang làm việc và thuộc đối tượng tham gia BHYT tại doanh nghiệp.
Chính vì vậy, người lao động không được tự mình đóng BHYT hộ gia đình để hưởng quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh.
Kéo theo đó, nếu đi khám chữa bệnh trong thời gian này, người lao động sẽ phải tự mình thanh toán mọi chi phí khám và điều trị.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.