Thời gian điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động là bao lâu? Trách nhiệm công bố biên bản điều tra tai nạn lao động được quy định như thế nào?
>> Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung gì?
Căn cứ khoản 6 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, thời gian điều tra tai nạn lao động thuộc thẩm quyền của Đoàn điều tra tai nạn lao động được tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố biên bản điều tra tai nạn lao động như sau:
(i) Không quá 04 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động.
(ii) Không quá 07 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động.
(iii) Không quá 20 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên.
Như vậy, thời gian điều tra tai nạn lao động là không quá 04 ngày với trường hợp bị thương nhẹ, không quá 07 ngày với trường hợp bị thương nặng một người lao động, không quá 20 ngày với trường hợp bị thương nặng hai người lao động trở lên.
![]() |
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
![]() |
Tổng hợp toàn bộ biểu mẫu về quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH mới nhất |
Thời gian điều tra tai nạn lao động của cơ quan thẩm quyền là bao lâu?
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 9 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, trách nhiệm công bố biên bản điều tra tai nạn lao động và các thông tin cần thiết khác liên quan đến tai nạn lao động như sau:
(i) Người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố thông tin nếu việc điều tra vụ tai nạn lao động quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động; Ủy ban nhân dân cấp xã công bố thông tin nếu vụ tai nạn lao động do Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
(ii) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện điều tra các vụ tai nạn lao động quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 có trách nhiệm công bố thông tin.
(iii) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện điều tra các vụ tai nạn lao động có trách nhiệm công bố thông tin, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Sau khi nhận được biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ thông tin để người lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động biết; trường hợp tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải niêm yết công khai để nhân dân biết.
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, tai nạn lao động được phân loại như sau:
(i) Tai nạn lao động làm chết người lao động là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chết tại nơi xảy ra tai nạn.
- Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu.
- Chết trong thời gian Điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y.
- Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.
(ii) Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
(iii) Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ là tai nạn lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản (i) và khoản (ii) nêu trên.