Sếp bảo tôi viết đơn xin nghỉ việc trước hạn, công ty sẽ bồi thường 03 tháng lương thực nhận. Vậy mức bồi thường trên có đúng luật hay không? – Hồng Loan (TP. Hồ Chí Minh).
>> Năm 2023, vi phạm quy định về lao động nữ và bình đẳng giới sẽ bị phạt thế nào?
>> Nghị định lương cơ sở 2023 có gì mới? Người lao động thêm quyền lợi nào?
Tôi làm việc tại một công ty trên địa bàn quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh từ tháng 03/2015 đến nay, và đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Hiện tại, công ty đang có chính sách tinh gọn lại nhân sự (giảm 50% người lao động) nên Phòng tôi cũng bị cắt giảm 04 người. Vừa rồi, sếp quản lý trực tiếp (Trưởng Phòng) bảo tôi viết đơn xin nghỉ việc trước hạn, công ty sẽ bồi thường 03 tháng lương thực nhận. Cho hỏi, vậy mức bồi thường trên có đúng luật hay không?
Mẫu thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động năm 2023 dành cho công ty và người lao động |
Mức bồi thường khi hai bên thỏa thuận nghỉ việc trước hạn 2023 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet).
Căn cứ khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động và người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (nghỉ việc trước hạn).
Pháp luật lao động hiện hành không có quy định về mức bồi thường khi hai bên thỏa thuận nghỉ việc trước hạn. Do đó, trong trường hợp này hai bên cần thỏa thuận và đưa ra một mức bồi thường cho thỏa đáng, hài hòa được lợi ích của các bên.
Người lao động có thể đề xuất mức bồi thường cao hơn để người sử dụng lao động xem xét; trường hợp người lao động không hài lòng với mức bồi thường của người sử dụng lao động thì được quyền tiếp tục làm việc, không phải nghỉ việc trước hạn.
Thực tế có những trường hợp người lao động không đồng ý với mức bồi thường của người sử dụng lao động nên không đồng ý nghỉ việc trước hạn; dẫn đến, công ty đuổi việc người lao động.
Việc công ty tự ý đuổi việc người lao động như vậy là vi phạm pháp luật, người lao động có quyền khởi kiện công ty ra Tòa án để đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Khi đó, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (tự ý đuổi việc người lao động) sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019.
Điều 41. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật – Bộ luật Lao động 2019 1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. 2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động. 3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động. |
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.