Trường hợp công ty bán hàng kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, hàng không đúng chất lượng như quảng cáo trên website. Vậy hành vi này bị xử phạt như thế nào? – Thu Liên (Bến Tre).
>> Địa chỉ mở khóa sim tại Thành phố Hồ Chí Minh và cách mở khóa khi vi phạm quy định spam?
>> Địa chỉ của Ủy ban nhân dân Quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) là ở đâu?
“Treo đầu dê, bán thịt chó” là câu thành ngữ được ông cha ta dịch sang tiếng Việt từ câu nói “Quải dương đầu, mại cẩu nhục” của người Trung Hoa.
Thành ngữ “treo đầu dê, bán thịt chó” thường được dùng trong hoạt động buôn bán, kinh doanh để nói về những người làm ăn dối trá, chuyên lừa bịp người khác bằng cách trưng bày, quảng cáo cái tốt đẹp bên ngoài nhưng thực chất, thứ được bán lại không giống với quảng cáo, xấu, kém chất lượng hơn.
Thành ngữ “treo đầu dê, bán thịt chó” có nguồn gốc từ câu chuyện cổ sau:
Ngày xưa, ở tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc, có một người tên là Trương Thành vốn dĩ rất thích ăn thịt chó. Một lần, anh ta mang bọc tiền đi buôn ngựa ghé vào một tửu quán ven đường treo biển hiệu “Chuyên bán thịt chó”. Chỉ trong chớp mắt, anh ta đã chén sạch hết một mâm đầy thịt chó và một bình rượu trắng.
Ngay trước cửa có một con chó lông xù bị xích trông rất béo tốt. Nên trong lúc ngà ngà say, anh ta liền hỏi chủ quán: “Ông có bán con chó lông xù trước cửa không?”. Chủ quán thầm nghĩ bụng đã gặp được một món hời lớn, nên nhanh nhảu nói “Con chó này trông thật béo tốt, bình thường quán chỉ bày sống để khách xem, nhưng nếu anh trả được giá cao, biết đâu tôi cũng xiêu lòng.”
Không chần chừ Trương Thành trả giá con chó bằng 5 lạng bạc để đem nó về chiêu đãi bạn bè. Thấy giá hời, chủ quán đồng ý ngay và giao con chó cho Trương Thành, thế là Trương Thành ung dung dắt chó đi.
Chủ quán nhìn Trương Thành say rượu, chân đăm đá chân chiêu rời khỏi tửu quán rồi nằm vật ra mê man tại một bãi cỏ, bèn toan tới cướp túi tiền. Nào ngờ con chó lông xù gầm gừ dữ dội xông tới, nó trừng mắt nhe răng lên sủa liên hồi không cho chủ quán hành sự.
Khi đó, gió nam thổi càng lúc càng mạnh, chủ quán bèn nghĩ ra một mưu kế ác độc khác. Ông ta lùi ra xa, rồi mồi lửa vào bãi cỏ nhằm thiêu bằng chết Trương Thành hòng lấy cho bằng được bọc tiền kia.
Lửa gặp gió lớn cháy lan rất nhanh về phía Trương Thành. Con chó lông xù thấy lửa sắp lan phía chủ mình thì vô cùng lo sợ, nó dùng hàm răng ngoạm vào vạt áo của Trương Thành rồi cuống quýt sủa to, nhưng anh ta vẫn nằm đó mê man.
Thấy hiểm nguy gần kề với chủ, con chó bất chấp tính mạng lao xuống khúc sông gần đó cho ướt sũng bộ lông. Sau đó, nó lập tức quay trở lại nằm lăn lộn trên đám cỏ khô xung quanh chỗ Trương Thành đang nằm. Nó cứ làm như vậy hết lần này đến lần khác cho tới khi lửa tắt hẳn.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Nguồn gốc của thành ngữ “treo đầu dê, bán thịt chó” (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Chủ quán bực tức không làm gì được, mắng chửi con chó, rồi cuối cùng cũng chán nản bỏ đi. Con chó trông chừng đến lúc thấy chủ quán đã rời đi thật xa, bấy giờ nó mới an tâm nằm sụp xuống bên cạnh chủ mới của mình rồi dần dần trút hơi thở cuối cùng.
Một lúc lâu sau, Trương Thành tỉnh dậy nhìn tàn tro xung quanh, chợt thấy con chó thân mình ướt sũng, bất giác anh ta hiểu ra mọi chuyện. Thực ra anh ta mua con chó không có ý tốt gì, chỉ nhằm để mổ thịt đánh chén với bạn bè một bữa no say. Thế nào mà nay nó lại liều mình cứu anh thoát khỏi nguy hiểm.
Anh ta cảm động đến không cầm được nước mắt, trong lòng vô cùng thương tiếc. Sau khi chôn cất cẩn thận con chó xong, anh liền nghĩ tới tửu quán thịt chó kia, mỗi ngày đã giết hại biết bao nhiêu con chó trung thành và tình nghĩa như vậy. Nghĩ tới đó, anh ta lập tức quay trở lại quán rượu.
Trương Thành chỉ tiến tới chỗ chủ quán, moi tất cả số bạc còn lại trong túi định dùng để buôn ngựa đưa ra trước mặt lão chủ quán, rồi nói: “Chỗ bạc này tôi sẽ giao hết cho ông với một điều kiện, chỉ cần ông chịu thả hết tất cả những con chó đang bị nhốt trong lồng kia ra. Ông phải thề có trời đất rằng từ nay trở đi sẽ không hành nghề bán thịt chó nữa”.
Chủ quán nghe xong có vẻ e ngại. Thấy vậy Trương Thành nói tiếp “Không bán thịt chó nữa, ông có thể buôn bán thứ khác kia mà. Tôi sẽ mua cho ông trước vài con dê; ông hãy chọn lấy một cái đầu dê đực thật đẹp treo trước cửa kia để thay thế cho cái bảng hiệu cũ kia. Như vậy cũng thật là dễ dàng, ông thấy sao?”.
Chủ quán đưa mắt nhìn số bạc trắng rồi vui vẻ nhận lời đồng ý ngay. Liền sau đó, Trương Thành đã tự mình đi mua cho chủ quán mấy con dê về làm thịt bán, đồng thời còn chọn một cái đầu dê đực thật đẹp cho lão treo trước cửa quán. Sau khi hoàn thành xong hết mọi chuyện; anh còn cẩn thận căn dặn chủ quán nhất định phải giữ lấy lời hứa của mình.
Ai ngờ chẳng được bao lâu, sau khi lão ta bán hết số thịt dê kia thì lại quay về bán thịt chó giống như trước đây. Sợ Trương Thành biết chuyện mình gian trá bội ước sẽ đòi lại số bạc kia, nên lão ta vẫn cứ để nguyên cái đầu dê treo trước cửa tửu quán. Từ đó, chúng ta có thành ngữ “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Trong kinh doanh, buôn bán nếu thực hiện hành vi gian dối “treo đầu dê, bán thịt chó” sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 5 và khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:
“Điều 34. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo – Nghị định 38/2021/NĐ-CP
...
5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;
b) Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này;
c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.”
Mặt khác, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP) quy định:
“Điều 5. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”
Như vậy, doanh nghiệp có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố (hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó”) thì bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo.
+ Buộc cải chính thông tin.