Pháp luật hiện hành quy định như thế nào đối với Tài khoản 451 áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô? – Mỹ Lâm (An Giang).
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Thông tư 05/2019/TT-BTC, nguyên tắc kế toán của Tài khoản 451 - Các khoản phải trả bên ngoài áp dụng đối với tổ chức tài chính vi mô được quy định như sau:
- Tài khoản 451 dùng để phản ánh các khoản tổ chức tài chính vi mô phải trả bên ngoài.
- Nợ phải trả cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu về xây dựng cơ bản cần được hạch toán chi tiết cho từng đối tượng phải trả. Trong chi tiết từng đối tượng phải trả Tài khoản 451 phản ánh cả số tiền đã ứng trước cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu xây dựng cơ bản nhưng chưa nhận được hàng hoá, lao vụ.
- Không phản ánh vào Tài khoản 451 các nghiệp vụ mua công cụ, dụng cụ, dịch vụ mua ngoài... trả tiền ngay (tiền mặt, séc hay chuyển khoản).
- Mở tài khoản chi tiết theo từng đơn vị, cá nhân có quan hệ thanh toán.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Tài khoản 451 (các khoản phải trả bên ngoài) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô, được quy định thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư 05/2019/TT-BTC, kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 451 - Các khoản phải trả bên ngoài áp dụng đối với tổ chức tài chính vi mô được quy định như sau:
Bên Nợ:
Số tiền đã thanh toán cho người cung cấp.
Bên Có:
Các khoản phải trả.
Số dư Có:
Phản ánh các khoản còn phải trả cuối kỳ.
Tài khoản này có thể có số dư Nợ. Số dư bên Nợ phản ánh số đã trả nhiều hơn số phải trả cuối kỳ.
Căn cứ theo quy định tại Điêu 7 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, niêm phong, tạm giữ, tịch thu tài liệu kế toán được quy định như sau:
Điều 7. Niêm phong, tạm giữ, tịch thu tài liệu kế toán - Nghị định 174/2016/NĐ-CP 1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định niêm phong tài liệu kế toán theo quy định của pháp luật thì đơn vị kế toán và người đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ niêm phong tài liệu kế toán phải lập "Biên bản niêm phong tài liệu kế toán". "Biên bản niêm phong tài nêu kế toán" phải ghi rõ: Lý do, loại tài liệu, số lượng từng loại tài liệu, kỳ kế toán và các nội dung cần thiết khác của tài liệu kế toán bị niêm phong. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán, người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền niêm phong tài liệu kế toán phải ký tên và đóng dấu (nếu có) vào "Biên bản niêm phong tài liệu kế toán". 2. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm giữ hoặc tịch thu tài liệu kế toán thì đơn vị kế toán và người đại diện theo pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm giữ hoặc tịch thu tài liệu kế toán phải lập "Biên bản giao nhận tài liệu kế toán". "Biên bản giao nhận tài liệu kế toán" phải ghi rõ: Lý do, loại tài liệu, số lượng từng loại tài liệu, kỳ kế toán và các nội dung cần thiết khác của từng loại tài liệu bị tạm giữ hoặc bị tịch thu; nếu tạm giữ thì ghi rõ thời gian sử dụng, thời gian trả lại tài liệu kế toán. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán và người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm giữ hoặc tịch thu tài liệu kế toán phải ký tên và đóng dấu (nếu có) vào "Biên bản giao nhận tài liệu kế toán", đồng thời đơn vị kế toán phải sao chụp tài liệu kế toán bị tạm giữ hoặc bị tịch thu. Trên tài liệu kế toán sao chụp phải có chữ ký và dấu xác nhận (nếu có) của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm giữ hoặc tịch thu tài liệu kế toán. Đối với tài liệu kế toán lập trên phương tiện điện tử thì đơn vị kế toán phải in ra giấy và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) để cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm giữ hoặc tịch thu tài liệu kế toán. |