Cho tôi hỏi hiện nay tài khoản 305 (hao mòn tài sản cố định) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định như thế nào? – Đan Chi (Bình Thuận).
Nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 305 (hao mòn tài sản cố định) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 05/2019/TT-BTC. Cụ thể như sau:
Tài khoản 305 (hao mòn tài sản cố định) dùng để phản ánh tình hình tăng, giảm giá trị hao mòn và giá trị hao mòn luỹ kế của các loại tài sản cố định trong quá trình sử dụng do trích khấu hao tài sản cố định và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của tài sản cố định.
- Về nguyên tắc, mọi tài sản cố định của các tổ chức tài chính vi mô có liên quan đến hoạt động kinh doanh (gồm cả tài sản chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý) đều phải trích khấu hao theo quy định hiện hành.
Khấu hao tài sản cố định dùng trong hoạt động kinh doanh hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ; khấu hao tài sản cố định chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý hạch toán vào chi phí khác.
- Các trường hợp đặc biệt không phải trích khấu hao, tài chính vi mô phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với tài sản cố định dùng cho hoạt động dự án hoặc dùng vào mục đích phúc lợi thì không phải trích khấu hao tính vào chi phí kinh doanh mà chỉ tính hao mòn tài sản cố định và hạch toán giảm nguồn hình thành tài sản cố định đó.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Tài khoản 305 (hao mòn TSCĐ) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô, được quy định thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
- Căn cứ vào quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý của các tổ chức tài chính vi mô để lựa chọn 1 trong các phương pháp tính, trích khấu hao theo quy định của pháp luật phù hợp cho từng tài sản cố định nhằm kích thích sự phát triển kinh doanh, đảm bảo việc thu hồi vốn nhanh, đầy đủ và phù hợp với khả năng trang trải chi phí của tổ chức tài chính vi mô.
- Phương pháp khấu hao được áp dụng cho từng tài sản cố định phải được thực hiện nhất quán và có thể được thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể cách thức thu hồi lợi ích kinh tế của tài sản cố định.
- Thời gian khấu hao và phương pháp khấu hao tài sản cố định phải được xem xét lại ít nhất là vào cuối mỗi năm tài chính. Nếu thời gian sử dụng hữu ích ước tính của tài sản khác biệt lớn so với các ước tính trước đó thì thời gian khấu hao phải được thay đổi tương ứng.
- Phương pháp khấu hao tài sản cố định được thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể cách thức ước tính thu hồi lợi ích kinh tế của tài sản cố định. Trường hợp này, phải điều chỉnh chi phí khấu hao cho năm hiện hành và các năm tiếp theo, và được thuyết minh trong Báo cáo tài chính.
- Đối với các tài sản cố định đã khấu hao hết (đã thu hồi đủ vốn), nhưng vẫn còn sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì không được tiếp tục trích khấu hao.
- Các tài sản cố định chưa tính đủ khấu hao (chưa thu hồi đủ vốn) mà đã hư hỏng, cần thanh lý, thì phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường và phần giá trị còn lại của tài sản cố định chưa thu hồi, không được bồi thường phải được bù đắp bằng số thu do thanh lý của chính tài sản cố định đó, số tiền bồi thường do lãnh đạo các tổ chức tài chính vi mô quyết định.
- Đối với tài sản cố định vô hình, phải tuỳ thời gian phát huy hiệu quả để trích khấu hao tính từ khi tài sản cố định được đưa vào sử dụng (theo hợp đồng, cam kết hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền).
- Riêng đối với tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất thì chỉ trích khấu hao đối với quyền sử dụng đất xác định được thời hạn sử dụng. Nếu không xác định được thời gian sử dụng thì không trích khấu hao.
Đối với tài sản cố định thuê tài chính, trong quá trình sử dụng bên đi thuê phải trích khấu hao trong thời gian thuê theo hợp đồng tính vào chi phí, đảm bảo thu hồi đủ vốn.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 05/2019/TT-BTC quy định kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 305 (hao mòn tài sản cố định) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô như sau:
- Bên Nợ: Giá trị hao mòn tài sản cố định giảm do tài sản cố định thanh lý, nhượng bán, điều động cho đơn vị khác, góp vốn đầu tư vào đơn vị khác.
- Bên Có: Giá trị hao mòn tài sản cố định tăng do trích khấu hao tài sản cố định.
- Số dư bên Có: Giá trị hao mòn luỹ kế của tài sản cố định hiện có cuối kỳ.