Công ty có được sa thải lao động nữ mang thai không? Sa thải lao động nữ mang thai bị phạt như thế nào? Có phải sa thải lao động nữ mang thai có thể bị phạt đến 03 năm tù?
>> Có được sử dụng lao động nữ nuôi con nhỏ tăng ca không?
>> Nghỉ phép năm có tính vào ngày làm việc để đóng BHXH không?
Căn cứ khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Các hình thức xử lý kỷ luật bao gồm:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
- Cách chức.
- Sa thải.
(Điều 124 Bộ luật Lao động 2019)
Như vậy, người sử dụng lao động không được sa thải lao động nữ mang thai.
Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, quy định về chế độ bảo vệ thai sản như sau:
…
Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
…
Như vậy, người dụng lao động không được phép sa thải người lao động vì lý do mang thai trừ các trường hợp sau:
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
- Người sử dụng lao động (không phải cá nhân) chấm dứt hoạt động hoặc không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật theo thông báo từ cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh.
File word Bộ luật Lao động và VB hướng dẫn mới nhất |
Tổng hợp mẫu đơn, tờ khai về quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH mới nhất |
File Excel tính tiền nhận BHXH một lần năm 2024 |
Sa thải lao động nữ mang thai có thể bị phạt đến 03 năm tù (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ điểm h, điểm i khoản 2 Điều 28, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc từ 20 – 40 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức khi thực hiện hành vi:
(i) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
(ii) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không thuộc các trường hợp ngoại trừ nêu tại Mục 1.
Ngoài ra người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc khi thực hiện hành vi vi phạm nêu tại khoản (ii) Mục này (điểm c khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Tóm lại, người sử dụng lao động sa thải lao động nữ mang thai có thể bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với cá nhân, 20 – 40 triệu đồng đối với tổ chức và phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Căn cứ Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội sa thải lao động trái pháp luật như sau:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.”
Như vậy, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sa thải động nữ mang thai có thể bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng phạt tù từ 01 – 03 năm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015.
Tóm lại, người sử dụng lao động không được sa thải lao động nữ mang thai trừ khi người sử dụng lao động mất năng lực hành vi dân sự, chết, hoặc công ty chấm dứt hoạt động, không có người đại diện theo pháp luật.
Nếu sa thải lao động nữ mang thai có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 20 - 40 triệu đồng (đối với tổ chức) và phải nhận lao động trở lại làm việc.
Trường hợp sa thải nhằm mục đích cá nhân, vu lợi người vi phạm có thể bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 3 năm.