Quy định về giao nhận và vận chuyển tiền giả từ ngày 05/02/2025 như thế nào? Thông tin về tiền Việt Nam và thông tin về tiền giả gồm nội dung gì? Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ gồm?
>> Tổ chức nào được phép cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng?
>> Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bao gồm những ai?
Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 58/2024/TT-NHNN, giao nhận và vận chuyển tiền giả được quy định như sau:
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giao nộp toàn bộ số tiền giả đã thu giữ về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch theo định kỳ hàng tháng, trừ số tiền giả loại mới giao nộp theo quy định tại khoản 4 Điều này. Việc giao nhận tiền giả thực hiện theo tờ (hoặc miếng) và phải được lập biên bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP.
Phương thức vận chuyển tiền giả do Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định, đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của từng tờ tiền giả do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao nộp.
Trường hợp phát hiện tiền thật trong số tiền giả giao nộp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch lập biên bản theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và có văn bản yêu cầu đơn vị giao nộp phải hoàn trả ngang giá trị cho khách hàng và báo cáo kết quả trong thời gian 30 ngày.
Tờ tiền thật đã đóng dấu “TIỀN GIẢ” và bấm lỗ được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch cắt góc 1/8 diện tích tờ tiền, thu đổi ngang giá trị (ghi Có) cho đơn vị giao nộp (không thu phí đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) và đóng gói, giao nhận như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải giao nộp tiền giả ít nhất 6 tháng một lần (nếu có) về Kho tiền Trung ương. Việc giao nộp có thể kết hợp với việc điều chuyển tiền đi, đến của Ngân hàng Nhà nước.
Việc giao nhận thực hiện theo bó, bì, túi nguyên niêm phong và được lập biên bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP.
4. Đối với tiền giả loại mới, trên cơ sở thông báo tiền giả loại mới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giao nộp về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ. Phương thức vận chuyển thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch thông báo về Cục Phát hành và Kho quỹ.
5. Trên cơ sở thông báo tiền giả loại mới của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch tại điểm b khoản 1 Điều 5 và khoản 4 Điều 9 Thông tư này, Cục Phát hành và Kho quỹ xem xét, quyết định yêu cầu giao nộp tiền giả loại mới. Trường hợp có yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch thực hiện giao nộp tiền giả loại mới theo yêu cầu của Cục Phát hành và Kho quỹ; Phương thức vận chuyển tiền giả loại mới do Giám đốc Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quyết định, đảm bảo an toàn, kịp thời. Trường hợp không có yêu cầu, tiền giả được đóng dấu, bấm lỗ và giao nộp theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Biên bản Giao, nhận tiền giả theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP |
Quy định về giao nhận và vận chuyển tiền giả từ ngày 05/02/2025 như thế nào
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Tại Điều 10 Nghị định 87/2023/NĐ-CP, thông tin về tiền Việt Nam và thông tin về tiền giả bao gồm:
1. Ngân hàng Nhà nước thông tin công khai, rộng rãi về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước hoặc các phương thức truyền thông phù hợp khác.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, trao đổi thông tin về tiền giả xuất hiện trong lưu thông, phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm liên quan đến tiền giả bằng văn bản hoặc phương thức phù hợp khác để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an xem xét, quyết định việc thông báo công khai thông tin về tiền giả để các tổ chức, cá nhân biết, phòng ngừa. Bộ Công an xem xét, quyết định công khai thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm liên quan đến tiền giả. Việc cung cấp, đăng tải thông tin liên quan đến tiền giả thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 11 Nghị định 87/2023/NĐ-CP, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ gồm:
1. Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền giả, tiền nghi giả cho người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả thuộc Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước quản lý.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả, thông tin, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam và nghiệp vụ, chuyên môn có liên quan về công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao.