PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Nhân viên vận chuyển trong lúc chở hàng bằng xe tải cho công ty thì gây tai nạn giao thông. Lý do là vì người này đã dùng rượu, bia trước đó nên không được tỉnh táo trong lúc lái xe và đã đâm sập một phần ngôi nhà của người dân bên đường. Vậy, công ty có phải bồi thường thiệt hại cho người dân không?
>> Cách tính lương hưu đối với người lao động năm 2022 thay đổi như thế nào?
>> Được ký hợp đồng lao động với người dưới 18 tuổi không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) sẽ phát sinh khi:
- Có hành vi vi phạm pháp luật;
- Có thiệt hại thực tế xảy ra;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra;
- Có lỗi của người vi phạm.
Lưu ý: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Căn cứ Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Bên cạnh đó, tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, khi người lao động của công ty gây tai nạn giao thông (cụ thể là giao thông đường bộ), trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công ty sẽ khi phát sinh khi:
- Có hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao thông đường bộ của người lao động;
- Hành vi vi phạm gây ra thiệt hại hại thực tế về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
- Có lỗi của người lao động (bao gồm lỗi hoàn toàn hoặc một phần);
- Thiệt hại xảy ra không phải do sự kiện bất khả kháng;
- Tai nạn giao thông xảy ra trong lúc người lao động thực hiện nhiệm vụ được công ty giao.
Xét trường hợp của anh/chị, có thể nhận thấy:
- Tai nạn giao thông xảy ra không phải do sự kiện bất khả kháng mà là do hành vi uống rượu bia trong lúc lái xe của người lao động gây ra. Đây là hành vi vi phạm quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.
- Hành vi của người lao động đã gây ra thiệt hại thực tế về tài sản của người dân bên đường;
- Thiệt hại xảy ra, theo như thông tin anh/chị cung cấp, hoàn toàn do lỗi của người lao động.
- Tai nạn này do người lao động gây ra trong thời gian thực hiện nhiệm vụ mà công ty giao (trong lúc vận chuyển hàng cho công ty).
Vì vậy, trong trường hợp này, công ty của anh/chị sẽ phải chịu trách nhiệm BTTH cho người dân bên đường bị thiệt hại. Tuy nhiên, công ty anh/chị có quyền yêu cầu người có lỗi (mà ở đây là nhân viên vận chuyển) hoàn trả lại tiền bồi thường thiệt hại cho công ty.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!