Chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động tham gia bảo hiểm y tế do ai có trách nhiệm trả? – Minh Toản (Hải Phòng).
>> Thời gian nghỉ do ốm đau có được tính là thời gian làm việc để tính phép năm không?
>> Thay đổi địa điểm làm việc, công ty có phải ký hợp đồng lao động mới với nhân viên không?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, trách nhiệm thanh toán những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế được quy định như sau:
Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
…
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
…
Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng lao động (gọi tắt là NSDLĐ) là người có trách nhiệm thanh toán những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
NLĐ bị tai nạn lao động, ai có trách nhiệm trả chi phí không thuộc danh mục do BHYT?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 23 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định về mức phạt đối với hành vi không thanh toán những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế được quy định như sau:
Điều 23. Vi phạm quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
…
b) Không thanh toán phần chi phí đồng chi trả hoặc những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế;
…
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
…
Như vậy, NSDLĐ có hành vi không thanh toán những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động (tối đa không quá 75 triệu đồng).
Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc NSDLĐ thanh toán những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với NSDLĐ là cá nhân vi phạm, trường hợp NSDLĐ là tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền là từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng (căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Theo khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động sẽ không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động quy định tại Điều 38 và Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:
- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.