Tôi vừa tham gia vào một công ty cổ phần với tư cách là cổ đông. Sắp tới Hội đồng quản trị sẽ được bầu lại cho nhiệm kỳ mới theo nguyên tắc bầu dồn phiếu. Tôi đọc luật nhưng vẫn chưa hiểu nguyên tắc này được áp dụng như thế nào? Vậy tôi muốn nhờ Pháp Lý Khởi Nghiệp giải thích một cách dễ hiểu về nguyên tắc này cho tôi. Và còn những trường hợp nào áp dụng nguyên tắc này nữa.
>> Có phải đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ làm việc sau tuổi nghỉ hưu?
>> Tiêu chuẩn để trở thành Giám đốc trong doanh nghiệp nhà nước?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Nguyên tắc bầu dồn phiếu
Tại Khoản 3 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 148. Điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua
…
Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy định tại quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.”
Như vậy, phương thức bầu dồn phiếu khi biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) được tiến hành như sau:
- Tổng số phiếu biểu quyết của mỗi cổ đông = Tổng số cổ phần sở hữu x Số thành viên được bầu của HĐQT.
- Cổ đông có quyền dồn hết số phiếu biểu quyết cho một ứng viên hoặc chia số phiếu biểu quyết thành nhiều phần cho một số ứng viên (không cần thiết phải bằng nhau).
- Người trúng cử được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ người có số phiếu bầu cao nhất cho đến đủ số thành viên HĐQT theo Điều lệ công ty quy định.
- Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu cho thành viên cuối cùng của HĐQT thì tiến hành bầu lại đối với các ứng viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy định tại quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.
Lưu ý: tổng số ứng cử viên mà mỗi cổ đông được quyền bỏ phiếu không cao hơn số lượng thành viên HĐQT mà cuộc họp cần bầu chọn. Ví dụ: cuộc họp tiến hành bầu chọn 05 trên số 06 ứng viên cho vị trí thành viên HĐQT thì số ứng viên tối đa mà một cổ đông được phép bỏ phiếu là 05.
Ví dụ: HĐQT cần bầu cử 5 thành viên HĐQT trên tổng cộng 7 ứng cử viên. Ví dụ anh A sở hữu 1.000 cổ đông. Vậy tổng số phiếu biểu quyết của anh A là 1.000 x 5 = 5.000 (phiếu).
Anh A có quyền dồn hết 5.000 phiếu bầu của mình cho 01 ứng cử viên duy nhất hoặc chia số phiếu biểu quyết này cho nhiều ứng cử viên.
Sau khi bầu xong, sẽ chọn ra 05 ứng cử viên có số phiếu bầu nhiều nhất cho 05 vị trí thành viên HĐQT từ cao xuống thấp. Trường hợp tìm được 4 ứng viên cho 4 vị trí thành viên HĐQT nhưng vị trí thành viên HĐQT thứ 5 (vị trí cuối cùng) có 02 ứng cử viên có cùng số phiếu bầu thì tiến hành bầu lại đối với 02 ứng viên này hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy định tại quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.
Trường hợp áp dụng nguyên tắc bầu dồn phiếu
Nguyên tắc bầu dồn phiếu là cách thức bầu cử đặc trưng chỉ có ở công ty cổ phần và được áp dụng trong trường hợp:
- Bầu cử thành viên Hội đồng thành viên;
- Bầu cử thành viên Ban Kiểm sát.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!