Người lao động khi đi làm có bắt buộc phải đóng đoàn phí công đoàn hay không? Người lao động khi tham gia công đoàn có quyền gì?
>> Doanh nghiệp nhỏ và vừa có được áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200?
>> Tổ chức lại doanh nghiệp là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.
Ngoài ra, tại Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định về tài chính công đòn gồm các nguồn thu sau đây:
(i) Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
(ii) Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
(iii) Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ.
(iv) Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Như vậy, theo đó đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Do đó, người lao động không bắt buộc phải tham gia công đoàn, trường hợp không kết nạp vào tổ chức công đoàn, không phải là đoàn viên thì không phải đóng đoàn phí công đoàn.
Bộ luật Lao động và văn bản còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Người lao động có bắt buộc phải đóng đoàn phí công đoàn (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Công đoàn 2012, người lao động khi tham gia công đoàn có quyền quyền sau đây:
(i) Được tham gia thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
(ii) Được yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
(iii) Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của tổ chức công đoàn; ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của tổ chức công đoàn; chất vấn cán bộ công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm. Những đoàn viên ưu tú được giới thiệu để Đảng xem xét kết nạp.
(iv) Được phổ biến đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn và người lao động; được đề xuất với tổ chức công đoàn kiến nghị người sử dụng lao động thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
(v) Được công đoàn hướng dẫn, tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí về pháp luật lao động, công đoàn; được công đoàn đại diện tham gia tố tụng trong các vụ án lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật.
(vi) Được công đoàn thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, khó khăn, hoạn nạn; được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, du lịch do công đoàn tổ chức; đoàn viên ưu tú được ưu tiên xét vào học tại các trường, lớp do công đoàn tổ chức; được công đoàn hướng dẫn, giúp đỡ tìm việc làm, học nghề.
(vii) Được cấp thẻ đoàn viên công đoàn và được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của công đoàn.
(viii) Đoàn viên bị mất việc làm, được tạm dừng sinh hoạt công đoàn và tạm dừng đóng đoàn phí công đoàn, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày mất việc làm.
(ix) Được nghỉ sinh hoạt công đoàn khi nghỉ hưu, được công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ khi có khó khăn; được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do công đoàn hỗ trợ.
Căn cứ Điều 22 Luật Công đoàn 2012, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn được quy định như sau:
(i) Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.
(ii) Tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
(iii) Phối hợp với công đoàn cùng cấp xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động.
(iv) Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
(v) Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị.
(vi) Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thoả ước lao động tập thể và quy chế dân chủ cơ sở.
(vii) Lấy ý kiến của công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
(viii) Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động.
(ix) Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn và đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại các điều 24, 25 Luật Công đoàn 2012 và Mục 1 nêu trên.