Người lao động nghỉ việc trong thời gian thử việc năm 2024, có cần báo trước cho công ty hay không? Rất mong được giải đáp cụ thể về vấn đề này! – Mỹ Ân (Bình Dương).
>> Năm 2024, nhân viên ăn trộm tiền của công ty thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
>> Người lao động có được nghỉ thêm sau thời gian nghỉ thai sản 2024?
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Như vậy, người lao động có thể nghỉ việc trong thời gian thử việc năm 2024 mà không cần phải báo trước cho công ty. Đồng thời, người lao động cũng không phải bồi thường hợp đồng.
Lưu ý: Mặc dù không cần báo trước cho công ty khi nghỉ việc trong thời gian thử việc nhưng nhân viên phải bàn giao công việc theo đúng quy định của công ty để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên.
Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Nghỉ việc trong thời gian thử việc năm 2024 không cần báo trước cho công ty
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện theo quy định Điều 25 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể như sau:
(i) Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
(ii) Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
(iii) Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
(iv) Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi không trả lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo mức sau đây:
(i) Từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
(ii) Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
(iii) Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
(iv) Từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
(v) Từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt nêu trên được áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân, cụ thể như sau:
(i) Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
(ii) Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
(iii) Từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
(iv) Từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
(v) Từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Căn cứ khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngoài việc bị xử phạt tiền như trên thì người sử dụng lao động buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương không trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.