Sắp tới, tôi phải tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nên xin công ty cho nghỉ 01 ngày. Vậy tôi có bị trừ phép năm không? - Minh Đăng (Quảng Bình).
>> Có phải dịp Tết Quý Mão 2023, lao động khó khăn được nhận 500.000 đồng?
>> Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho báo cáo lao động cuối năm 2022?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và là nghĩa vụ của mỗi công dân khi đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Trường hợp có lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không tham gia thì bị xem là trốn tránh nghĩa vụ quân sự và có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, nếu người lao động có lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì phải tham gia để hoàn thành trách nhiệm với đất nước và doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Người lao động nghỉ việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hằng năm, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động (hay còn gọi là ngày phép năm). Tùy thuộc vào điều kiện công việc khác nhau mà số ngày phép năm cũng có sự khác biệt, cụ thể:
- Đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường: có 12 ngày phép năm;
- Đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 14 ngày phép năm;
- Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày phép năm.
Lưu ý: Đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động sẽ được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Ngoài ra, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần. Do đó, dẫn đến 02 trường hợp:
(1) Trường hợp người sử dụng lao động cho phép người lao động được tự bố trí ngày phép năm:
Trong trường hợp này nếu người lao động vẫn còn ngày phép năm, thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ phép khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đồng thời cũng được hưởng nguyên lương của ngày làm việc hôm đó.
Nếu người lao động đã nghỉ hết phép năm thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ việc riêng không hưởng lương.
(2) Trường hợp người sử dụng lao động bố trí ngày phép năm cho người lao động:
Trong trường hợp này, người lao động vẫn cần thỏa thuận với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí lại lịch nghỉ hằng năm hoặc nghỉ việc không hưởng lương để phù hợp với việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Lưu ý: Nếu không thỏa thuận được với người sử dụng lao động mà người lao động vẫn tự ý nghỉ việc (nếu từ 05 ngày cộng dồn trong 30 ngày) thì có thể bị xử lý kỷ luật sa thải.
>> Xem chi tiết tại bài viết: NLĐ tự ý nghỉ việc 05 ngày không xin phép thì có bị sa thải không?
Hiện nay, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết theo quy định tại khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019.
Tuy nhiên trên thực tế, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc nghỉ phép, lịch nghỉ phép năm thường được linh động theo nhu cầu của người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Do đó, nếu doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết thì sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng theo khoản 2 Điều 18 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.