Năm 2024, người lao động có thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) khi công ty cố tình kéo dài thời gian chốt sổ BHXH không? Rất mong được giải đáp thắc mắc – Ý Vi (Cà Mau).
>> Ép người lao động tăng ca năm 2024, doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
>> Nhân viên thử việc muốn nghỉ phép năm 2024 thì phải làm thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có trách nhiệm:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Đồng thời, căn cứ khoản 5 Điều 21 Luật BHXH 2014, công ty có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, công ty có trách nhiệm chốt sổ BHXH cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; nhân viên không thể tự mình thực hiện việc chốt sổ BHXH.
File word Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Nhân viên không thể tự mình chốt sổ BHXH năm 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị phạt theo một trong các mức sau đây:
- Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- Từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngoài việc bị xử phạt tiền như trên, công ty còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động.
Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, khi công ty không chịu chốt sổ BHXH, người lao động cần:
Bước 1: Gửi đơn khiếu nại lần đầu đến công ty yêu cầu chốt sổ BHXH.
Bước 2: Trường hợp công ty vẫn không giải quyết yêu cầu, người lao động có thể gửi khiếu nại lần 2 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Bước 3: Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, người lao động có thể khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
Điều 168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp – Bộ luật Lao động 2019 1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động. 2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. 3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. |