Công ty tôi sắp xuất khẩu mật ong ra nước ngoài, vậy cần phải đáp ứng những điều kiện gì về an toàn thực phẩm để được xuất khẩu? – Đặng Dung (Quảng Ngãi).
>> Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm 2023 trong kinh doanh thức ăn đường phố?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm như sau:
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn đối với sức khoẻ, tính mạng con người.
Năm 2023, điều kiện bảo đảm an toàn với thực phẩm xuất khẩu là như thế nào? (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Theo quy định tại Điều 41 Luật An toàn thực phẩm 2010, thực phẩm xuất khẩu phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm Việt Nam.
- Phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan.
Căn cứ theo Điều 42 Luật An toàn thực phẩm 2010 chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu được quy định như sau:
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do, chứng nhận y tế, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hoặc giấy chứng nhận khác có liên quan đối với thực phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu.
- Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định hồ sơ, thủ tục cấp các loại giấy chứng nhận nêu trên thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Như vậy, khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm xuất khẩu được đề cập tại mục 2 của bài viết này thì thực phẩm đó sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong trường hơp, không đáp ứng đủ các quy định về đảm bảo an toàn đối với thực phẩm khi xuất khẩu, thì cơ sở xuất khẩu sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, cụ thể căn cứ vào quy định tại Điều 19 Nghị định 155/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a; điểm b khoản 9 Điều 1 và bổ sung tại điểm c khoản 9 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP.
(1) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong xuất khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
(2) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thực hiện xuất khẩu lô hàng thực phẩm không đúng khối lượng, quy cách sản phẩm như đã đăng ký để được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (Chứng thư).
(3) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán thực phẩm thuộc diện miễn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm xuất khẩu nhưng bị quốc gia nhập khẩu trả về mà không thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trước khi lưu thông trên thị trường.
Ngoài hình thức phạt tiền trên, khi có hành vi vi phạm về đảm bảo an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu thì cơ sở xuất khẩu còn phải chịu hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm đối với hành vi (1) nêu tại Mục 4 này.
- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm đối với hành vi (2) nêu tại Mục 4 này.
- Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 07 tháng đến 09 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định đối với hành vi (3) nêu tại Mục 4 này.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc tái xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đối với hành vi (1) nêu tại Mục 4 này.
- Buộc thu hồi thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đối với đối với hành vi (3) nêu tại Mục 4 này.
- Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đối với hành vi (3) nêu tại Mục 4 này.
- Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm đối với các hành vi (1), (2), (3) nêu tại Mục 4 này.