Nếu người lao động có hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp thì phải chịu mức trách nhiệm như thế nào? – Thanh Ngọc (Bình Dương).
>> Lao động nữ nghỉ khám thai cần chuẩn bị giấy tờ gì để hưởng chế độ thai sản?
>> Lập tờ khai đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công như thế nào?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hiện nay, nhiều trường hợp người lao động làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp để được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có thể chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 cụ thể như sau: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, theo Điều 42 Luật Việc làm 2013 quy định 04 chế độ của bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Trợ cấp thất nghiệp;
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;
- Hỗ trợ Học nghề;
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Như vậy, có thể hiểu bảo hiểm thất nghiệp là chế độ hỗ trợ dành cho người lao động bị mất việc làm.
Mức phạt đối với hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 43, Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, bao gồm cả hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt HĐLĐ, trừ các trường hợp:
+ NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật;
+ NLĐ chấm dứt HĐLĐ và được nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ. Trừ các trường hợp:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
Khi đáp ứng những điều kiện nêu trên thì người lao động cần làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đối với NLĐ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 như sau:
“1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”
Như vậy, hằng tháng người lao động đủ điều kiện sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp; nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng.
>> Tra cứu mức lương tối thiểu vùng hiện nay tại đây.
Đối với người lao động có hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp chiếm đoạt tiền bảo hiểm thì có thể phải chịu trách nhiệm như sau:
- Trách nhiệm hình sự: theo khoản 1 Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 2 Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;
+ Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Lưu ý: Đối với các hành vi phạm tội có tình tiết tăng nặng thì có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Trách nhiệm hành chính: theo khoản 2 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức chiếm đoạt tài sản dưới 10 triệu đồng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Như vậy, người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp chiếm đoạt tài sản dưới 10 triệu đồng sẽ phải chịu mức phạt lên đến 20 triệu đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp 02 lần mức xử phạt đối với cá nhân.
Ngoài ra, người làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp còn có trách nhiệm nộp lại số tiền mà mình đã nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
XEM CHI TIẾT CÁC CÔNG VIỆC PHÁP LÝ CẦN BIẾT TRONG QUÁ TRÌNH: |
||