Trong thời gian lao động nữ hành kinh thì được nghỉ bao nhiêu phút? Nếu người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ thì có bị xử phạt? – Thanh Thúy (Bình Dương).
>> Có được dùng nhà tắm công ty làm phòng vắt sữa cho lao động nữ?
>> Năm 2024, công ty không lập sổ quản lý lao động: Có bị xử phạt?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 và điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, trường hợp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác thì tùy thuộc vào mức độ của hành vi vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt như sau:
- Đối với người sử dụng lao động là cá nhân thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
- Đối với người sử dụng lao động là tổ chức thì mức tiền phạt là gấp đôi cá nhân vi phạm (bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng).
Đồng thời, theo điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023) |
Không cho người lao động nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh sẽ bị phạt tiền (Hình minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ và tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng.
Thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động nữ chủ động thông báo với người sử dụng lao động.
Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định nêu trên thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Như vậy, lao động nữ trong thời gian hành kinh có thể được nghỉ 30 phút/ngày theo quy định. Thời gian này có thể vào bất cứ lúc nào trong ngày. Tức là trong thời gian hành kinh, lao động nữ có thể đi làm muộn 30 phút hoặc về sớm 30 phút hoặc nghỉ ngơi bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày làm việc với thời gian là 30 phút.
Căn cứ diểm c khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ trong thời gian hành kinh và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động còn được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian đáng ra người lao động được nghỉ. Thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Điều 78. Quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới – Nghị định 145/2020/NĐ-CP 1. Quyền bình đẳng của người lao động: a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần; b) Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới về các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong quan hệ lao động. 2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ. Việc tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định này. 3. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động: a) Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn; b) Thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật. |