Cho tôi hỏi khi chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ và công ty có những trách nhiệm gì? Nếu công ty vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào? – Ngọc Quý (Quảng Ninh).
>> Năm 2023, công ty cắt giảm người lao động do chuyển đổi loại hình DN phải có nghĩa vụ gì?
>> Trợ cấp thôi việc năm 2023 cho người lao động được quy định như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động (NLĐ) và công ty có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
- Công ty chấm dứt hoạt động;
- Công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của công ty;
- Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Lưu ý: Trường hợp công ty bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, bị phá sản thì tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán (khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019).
>> Xem thêm bài viết: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động năm 2023
Trách nhiệm của NLĐ và công ty khi chấm dứt hợp đồng lao động năm 2023 (Ảnh minh họa)
Căn cứ khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có trách nhiệm sau đây:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu công ty đã giữ của NLĐ;
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do công ty trả.
Tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với công ty có một trong các hành vi sau đây khi chấm dứt hợp đồng lao động:
(1) Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động;
(2) Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho NLĐ theo quy định của pháp luật;
(3) Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định của pháp luật;
(4) Không trả hoặc trả không đủ tiền cho NLĐ theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
(5) Không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của NLĐ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;
(6) Không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Mức xử phạt các hành vi nêu trên theo khoản 2 Điều 12 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
- Vi phạm từ 01 đến 10 NLĐ: từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng.
- Vi phạm từ 11 đến 50 NLĐ: từ 04 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
- Vi phạm từ 51 đến 100 NLĐ: từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
- Vi phạm từ 101 đến 300 NLĐ: từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
- Vi phạm từ 301 NLĐ trở lên: từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động (điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Công ty phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động (điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
>> Xem thêm bài viết:
>> Năm 2023, công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải chịu trách nhiệm nào?
>> Năm 2023, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ chịu trách nhiệm gì?