Tôi muốn biết trong năm 2024, hộ kinh doanh có phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của mình như trong doanh nghiệp hay không? – Ngọc Nhi (TP. Hồ Chí Minh).
>> Nghỉ thai sản 2024 có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hay không?
>> Sinh thường năm 2024, sẽ được hưởng những khoản tiền nào?
Căn cứ điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
Ngoài ra, các đối tượng người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Như vậy, người lao động có hợp đồng lao động 1 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đồng thời, cũng quy định người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân có thuê, mướn lao động. Do đó, nếu như hộ kinh doanh thuê lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Giải đáp thắc mắc, hộ kinh doanh có phải đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động phải đảm bảo những nguyên tắc sau đây:
- Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
- Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
- Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
- Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
- Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có các chế độ sau đây:
(i) Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
- Ốm đau.
- Thai sản.
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Hưu trí.
- Tử tuất.
(ii) Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
- Hưu trí.
- Tử tuất.
(iii) Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
(Căn cứ Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)