Cho tôi hỏi có các hình thức, phương thức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ nào theo Luật Thương mại 2005? – Kim Thanh (Đồng Tháp).
>> Năm 2023, có được rút lại giá đã trả khi đấu giá hàng hóa? Từ chối mua hàng hóa?
>> Việc niêm yết đấu giá hàng hóa năm 2023 được quy định như thế nào?
Theo Điều 214 Luật Thương mại 2005, đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu).
Hình thức, phương thức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ theo Luật Thương mại 2005 nêu dưới đây sẽ không áp dụng đối với đấu thầu mua sắm công theo quy định của pháp luật.
Theo quy đinh tại khoản 1 Điều 215 Luật Thương mại 2005, có 02 hình thức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là:
(i) Hình thức đấu thầu rộng rãi: Đây là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu.
(ii) Hình thức đấu thầu hạn chế: Đây là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định dự thầu.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 215 Luật Thương mại 2005, việc chọn hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc hình thức đấu thầu hạn chế sẽ do bên mời thầu quyết định.
Phương thương thức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Điều 216 Luật Thương mại 2005 bao gồm:
(i) Đấu thầu một túi hồ sơ, cụ thể:
- Bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính trong một túi hồ sơ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
- Việc mở thầu được tiến hành một lần.
(ii) Đấu thầu hai túi hồ sơ, cụ thể:
- Bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính trong từng túi hồ sơ riêng biệt được nộp trong cùng một thời điểm.
- Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở trước.
Lưu ý: Bên mời thầu có quyền lựa chọn một trong hai phương thức đấu thầu nêu trên nhưng phải thông báo trước cho các bên dự thầu.
Toàn văn File word Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
Hình thức, phương thức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ năm 2023 theo Luật Thương mại? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 219 Luật Thương mại 2005, thông báo mời thầu năm 2023 bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ của bên mời thầu.
- Tóm tắt nội dung đấu thầu.
- Thời hạn, địa điểm và thủ tục nhận hồ sơ mời thầu.
- Thời hạn, địa điểm, thủ tục nộp hồ sơ dự thầu.
- Những chỉ dẫn để tìm hiểu hồ sơ mời thầu.
Cách gửi thông báo mời thầu như sau:
- Trường hợp đấu thầu rộng rãi: bên mời thầu có trách nhiệm thông báo rộng rãi trên cái phương tiện thông tin đại chúng.
- Trường hợp đấu thầu hạn chế: bên mời thầu có trách nhiệm gửi thông báo mời đăng ký dự thầu đến các nhà thầu đủ điều kiện.
Hồ sơ mời thầu phải bao gồm các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 218 Luật Thương mại 2005, cụ thể là:
- Thông báo mời thầu.
- Các yêu cầu liên quan đến hàng hóa, dịch vụ được đấu thầu.
- Phương pháp đánh giá, so sánh, xếp hạng và lựa chọn nhà thầu.
- Những chỉ dẫn khác liên quan đến việc đấu thầu.
Chi phí về việc cung cấp hồ sơ cho bên dự thầu sẽ do bên mời thầu quy định (khoản 2 Điều 218 Luật Thương mại 2005).
Theo quy định tại Điều 221 Luật Thương mại 2005, việc quản lý hồ sơ dự thầu là trách nhiệm của bên mời thầu.
Ngoài trách nhiệm quản lý hồ sơ dự thẩu, bên mời thầu còn có trách nhiệm chỉ dẫn cho bên dự thầu về các điều kiện dự thầu, các thủ tục được áp dụng trong quá trình đấu thầu và giải đáp các câu hỏi của bên dự thầu theo Điều 220 Luật Thương mại 2005.
>> Xem thêm các bài viết liên quan tại:
>> Ai không được tham gia đấu giá hàng hóa năm 2023? Đăng ký tham gia đấu giá như thế nào?
>> Năm 2023, có được rút lại giá đã trả khi đấu giá hàng hóa? Từ chối mua hàng hóa?