Doanh nghiệp tái bảo hiểm là gì? Hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp tái bảo hiểm? Điều kiện chung cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp tái bảo hiểm?
>> Năm 2025, thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy phép môi trường là khi nào?
>> Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chuyển giao công nghệ bao gồm những gì?
Căn cứ khoản 18 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp tái bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và luật khác có liên quan để kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.
Căn cứ Điều 108 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, quy định quản trị tài chính của doanh nghiệp tái bảo hiểm như sau:
(i) Doanh nghiệp tái bảo hiểm tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động; thực hiện các nghĩa vụ, cam kết với bên mua bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân có liên quan và Nhà nước theo quy định của pháp luật.
(ii) Doanh nghiệp tái bảo hiểm phải xây dựng chiến lược, quy trình, quy chế, thủ tục, cơ cấu tổ chức để thực hiện việc quản lý, giám sát hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật; chủ động phòng, ngừa và giảm thiểu rủi ro.
File Word Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 11/11/2024] |
Doanh nghiệp tái bảo hiểm là gì; Hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp tái bảo hiểm (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 174/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2025, xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp tái bảo hiểm như sau:
Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô
1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô vi phạm một trong các hành vi vi phạm sau:
…
c) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không thực hiện quản trị tài chính theo quy định của pháp luật, quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với tổ chức (điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 174/2024/NĐ-CP).
Như vậy, từ ngày 15/02/2025 doanh nghiệp tái bảo hiểm không thực hiện quản trị tài chính theo Mục 1 bị phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng.
Căn cứ Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, quy định điều kiện chung cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp tái bảo hiểm như sau:
(i) Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập:
- Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020.
- Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;
- Doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
(ii) Điều kiện về vốn:
- Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
- Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.
(iii) Điều kiện về nhân sự:
Có Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
(iv) Có hình thức tổ chức hoạt động theo quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định Luật Doanh nghiệp 2020.