Cho tôi hỏi doanh nghiệp nhận quyền thương mại có được chuyển giao quyền cho bên khác hay không? – Trung Dũng (Lâm Đồng).
>> Các bên trong nhượng quyền thương mại có các quyền và nghĩa vụ gì?
>> Hợp đồng nhượng quyền thương mại có hiệu lực từ thời điểm nào?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 thì nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó doanh nghiệp nhượng quyền cho phép và yêu cầu doanh nghiệp nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do doanh nghiệp nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của doanh nghiệp nhượng quyền;
- Doanh nghiệp nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho doanh nghiệp nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Lưu ý: Trước khi nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Thương mại (Khoản 1 Điều 291 Luật Thương mại 2005).
Điều kiện chuyển giao:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 35/2006/NĐ-CP thì doanh nghiệp nhận quyền được chuyển giao quyền thương mại cho doanh nghiệp dự kiến nhận quyền khác khi đáp ứng các điều kiện là được sự chấp thuận của doanh nghiệp nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nhượng quyền trực tiếp).
Thủ tục chuyển giao:
Thủ tục chuyển giao quyền thương mại được quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 35/2006/NĐ-CP như sau:
- Doanh nghiệp nhận quyền phải gửi yêu cầu bằng văn bản về việc chuyển giao quyền thương mại cho doanh nghiệp nhượng quyền trực tiếp.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của doanh nghiệp nhận quyền, doanh nghiệp nhượng quyền trực tiếp phải có văn bản trả lời trong đó nêu rõ:
+ Chấp thuận việc chuyển giao quyền thương mại của doanh nghiệp nhận quyền;
+ Từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của doanh nghiệp nhận quyền theo các lý do tại Mục 3 bên dưới.
- Trong thời hạn 15 ngày nêu trên, nếu doanh nghiệp nhượng quyền trực tiếp không có văn bản trả lời thì được coi là chấp thuận việc chuyển giao quyền thương mại của doanh nghiệp nhận quyền.
Chuyển giao quyền thương mại (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 35/2006/NĐ-CP thì doanh nghiệp nhượng quyền trực tiếp chỉ được từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của doanh nghiệp nhận quyền khi có một trong các lý do sau đây:
- Doanh nghiệp dự kiến nhận chuyển giao không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp dự kiến nhận chuyển giao phải thực hiện theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- Doanh nghiệp dự kiến nhận chuyển giao chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của doanh nghiệp nhượng quyền trực tiếp;
- Việc chuyển giao quyền thương mại sẽ có ảnh hưởng bất lợi lớn đối với hệ thống nhượng quyền thương mại hiện tại;
- Doanh nghiệp dự kiến nhận chuyển giao không đồng ý bằng văn bản sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của doanh nghiệp nhận quyền theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- Doanh nghiệp nhận quyền chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với doanh nghiệp nhượng quyền trực tiếp, trừ trường hợp doanh nghiệp dự kiến nhận chuyển giao cam kết bằng văn bản thực hiện các nghĩa vụ đó thay cho doanh nghiệp nhận quyền.
Lưu ý: Doanh nghiệp chuyển giao quyền thương mại mất quyền thương mại đã chuyển giao. Mọi quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền thương mại của doanh nghiệp chuyển giao được chuyển cho doanh nghiệp nhận chuyển giao, trừ trường hợp có thoả thuận khác (khoản 4 Điều 15 Nghị định 35/2006/NĐ-CP).
>> Xem thêm bài viết:
>> Những quy định của Pháp luật liên quan đến nhượng quyền thương mại
>> Hướng dẫn thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại
>> Công thức tính thuế thu nhập cá nhân từ bản quyền, nhượng quyền thương mại