Công ty tôi muốn góp vốn bằng tiền mặt vào doanh nghiệp khác thì có được không? – Mỹ Linh (Hưng Yên).
>> Xử lý cơ sở khám chữa bệnh không lắp đặt hệ thống xử lý nước thải như thế nào?
>> Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ như thế nào?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hiện nay, hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp được quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC bao gồm 03 hình thức:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Lưu ý: Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP quy định về giao dịch tài chính của doanh nghiệp như sau:
Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp
1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.
Từ những quy định trên, các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt (bao gồm cả tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp có được góp vốn vào doanh nghiệp khác bằng tiền mặt? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Trường hợp doanh nghiệp vẫn cố ý góp vốn bằng tiền mặt vào doanh nghiệp khác thì căn cứ vào Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật; hoặc
- Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.
Ngoài ra, việc góp vốn trái với quy định pháp luật thì việc giao dịch được xem như là vô hiệu. Trường hợp mà đã quá thời hạn góp vốn thì có thể xử phạt doanh nghiệp với hành vi không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh. Mức phạt đối với hành vi trên là từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết.
Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Lưu ý: Nếu có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
>> Xem thêm các công việc:
>> Khai lệ phí trước bạ khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản góp vốn
>> Tài sản thực hiện góp vốn là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
>> Tài sản thực hiện góp vốn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ