PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Tôi đang làm việc tại công ty X. Trước đây, khi ký HĐLĐ không có thỏa thuận về việc nâng bậc, nâng lương. Nay, tôi đã làm việc cho công ty hơn 02 năm nhưng vẫn không được tăng lương. Vậy điều này có trái với pháp luật hiện hành? Mong được hỗ trợ
>> Các đối tượng nào được vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm?
>> Chồng là Chủ tịch Hội đồng thành viên thì có được thuê vợ làm Giám đốc?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương là tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. NSDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau.
Bên cạnh đó, theo khoản 6 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chế độ nâng bậc, nâng lương như sau: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.
Như vậy, không có quy định nào bắt buộc công ty phải tăng lương định kỳ cho nhân viên. Việc có tăng lương hay không, tăng vào thời điểm nào sẽ được các bên căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể, quy chế riêng do người sử dụng lao động ban hành.
Tuy nhiên, theo điểm e khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định chế độ nâng bậc, nâng lương là một trong những nội dung chủ yếu trong hợp đồng lao động. Trường hợp NSDLĐ có hành vi giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt được áp dụng gấp 02 lần đối với tổ chức (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP) như sau:
- Từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!