PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Tôi muốn thành lập một cơ sở trợ giúp xã hội (cụ thể là Viện dưỡng lão). Vậy cho hỏi hồ sơ và thủ tục để thành lập Viện dưỡng lão (ngoài công lập) hiện nay như thế nào? Mong được hỗ trợ
>> Thủ tục để thành lập văn phòng đại diện của công ty Việt Nam ở nước ngoài
>> Bên nhận gia công có được bán sản phẩm gia công cho bên thứ ba không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Mã ngành 8730: Hoạt động chăm sóc sức khoẻ người có công, người già và người khuyết tật không có khả năng tự chăm sóc
87302: Hoạt động chăm sóc sức khoẻ người già
Nhóm này gồm: Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc cho người già, những người mà không thể tự chăm sóc mình một cách đầy đủ hoặc những người mà không muốn sống độc lập một mình. Việc chăm sóc bao gồm phòng ở, chế độ ăn uống, theo dõi và giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày, như dịch vụ quản gia. Trong một số trường hợp, các đơn vị này còn cung cấp sự chăm sóc điều dưỡng về chuyên môn cho những người sống tại các khu riêng khác.
Nhóm này cũng gồm:
- Hoạt động của các cơ sở trợ giúp cuộc sống;
- Hoạt động tiếp tục chăm sóc sức khoẻ cho những người về hưu;
- Nhà dành cho người già với sự chăm sóc điều dưỡng tối thiểu;
- Nhà nghỉ không có sự chăm sóc điều dưỡng.
Điều kiện kinh doanh Viện dưỡng lão (cơ sở trợ giúp xã hội) được quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP gồm có:
1. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập (Theo Điều 18 Nghị định 103/2017/NĐ-CP)
- Tên của cơ sở được đặt theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị định này (Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi);
- Có hồ sơ đăng ký thành lập hợp lệ quy định tại Điều 15 Nghị định này:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Theo Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký thành lập Viện Dưỡng lão (Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập), NĐT cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
(1) Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(2) Phương án thành lập cơ sở.
(3) Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(4) Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở.
(5) Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên.
(6) Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;
- Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.
Lưu ý: Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Bước 2. Nộp hồ sơ
Theo Điều 17 Nghị định 103/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 16 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định về trình tự nộp hồ sơ như sau:
- Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thành lập (tại Bước 1) đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.
Nếu cơ sở đăng ký thay đổi nội dung hoặc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thành lập thì cơ sở nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 20 Nghị định này đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có trách nhiệm xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với cơ sở đăng ký thành lập mới; cấp chứng nhận đăng ký thành lập đối với cơ sở đăng ký thay đổi nội dung hoặc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với trường hợp cơ sở đề nghị cấp lại. Trường hợp cơ sở đề nghị không đủ điều kiện theo quy định thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có thông báo rõ lý do bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
Lưu ý: Cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý xã hội và cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn không phải thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này.
2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động (Theo Điều 26 Nghị định 103/2017/NĐ-CP)
Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Cơ sở trợ giúp xã hội công lập được thành lập theo quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định này; cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
(2) Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
(3) Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc đối tượng.
(4) Trường hợp cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Nghị định này còn phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!