Cho tôi hỏi: Công ty chúng tôi ký hợp đồng gia công và sản xuất sản phẩm gia công theo mẫu do bên đặt gia công là một công ty nước ngoài cung cấp. Tuy nhiên, có một khách hàng khách tại Việt Nam muốn được mua sản phẩm gia công này thì công ty chúng tôi ký HĐ mua bán với khách hang Việt Nam đó được không?
>> Điều kiện để được miễn lệ phí môn bài năm 2022
>> Hướng dẫn quy trình xác nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho doanh nghiệp năm 2022
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ theo Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
Như vậy, theo như bản chất của hợp đồng gia công, công ty anh sẽ sản xuất chuột máy tính theo yêu cầu của công ty mẹ ở Đài Loan (có thể là yêu cầu về mẫu mã, linh kiện bên trong hoặc quy trình sản xuất ra chuột máy tính).
Mặt khác, tại khoản 4 Điều 546 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên nhận gia công như sau:
“Điều 546. Nghĩa vụ của bên nhận gia công
...
4. Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.”
Như vậy có thể thấy, công ty anh/chị (bên nhận gia công) tiến hành cung cấp sản phẩm gia công theo mẫu do bên công ty đặt gia công ở nước ngoài cho bên thứ ba mà không được sự cho phép của công ty đặt gia công sẽ bị coi là vi phạm nghĩa vụ của bên nhận gia công.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 182 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:
“Điều 182. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công
...
3. Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.”
Theo đó, xuất khẩu tại chỗ được chỉ cho các trường hợp mà các doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất hàng hóa trong nước bán cho thương nhân nước ngoài, nhưng giao hàng cho một doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.
Thêm vào đó, tại khoản 3 Điều 42 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định:
“Điều 42. Quyền, nghĩa vụ của bên đặt và nhận gia công
3. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc; thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu quy định tại Điểm e Khoản 1 và Điểm e Khoản 2 Điều này được quy định như sau:
a) Phải tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
b) Phải có hợp đồng mua bán ký giữa thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài với thương nhân nhập khẩu.”
Như vậy, công ty anh/chị vẫn có thể bán hàng hóa cho một công ty khác ở Việt Nam nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có hợp đồng mua bán ký giữa công ty đặt gia công ở nước ngoài với công ty nhập khẩu (cụ thể là công ty tại Việt Nam có nhu cầu mua sản phẩm gia công trực tiếp tại công ty anh/chị – tạm gọi là bên thứ ba tại Việt nam).
- Có văn bản ủy nhiệm của công ty đặt gia công cho công ty anh/chị thay mình xuất khẩu hàng hóa cho bên thứ ba tại Việt Nam.
- Tuân thủ các quy định về quản lý xuất khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!