PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Công ty tôi kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống. Vậy cho tôi hỏi công ty tôi xin cấp giấy xác nhận an toàn thực phẩm như thế nào? Mong được hỗ trợ
>> Hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài năm 2022
>> Thủ tục đăng ký Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm năm 2022
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Trước đây, theo Điều 10 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT quy định Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đến Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Thông tư liên tịch này qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp.
* Hồ sơ đối với tổ chức gồm có:
- Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Mẫu số 01a quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- Bản danh sách các đối tượng đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Mẫu số 01b quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã (có dấu xác nhận của tổ chức);
- Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Tuy nhiên, hiện nay theo Thông tư 13/2020/TT-BTC, Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Nghị định 123/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ việc tổ chức thi và cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Đồng thời việc xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên trực tiếp tham gia, sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ do doanh nghiệp tự tổ chức và được chủ cơ sở xác nhận.
Do đó, kể từ ngày các văn bản trên có hiệu lực thi hành thì các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ không thực hiện việc kiểm tra, cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm. Mà doanh nghiệp sẽ thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1. Doanh nghiệp chuẩn bị tài liệu tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và gửi cho nhân viên học tại nhà hoặc có thể tổ chức lớp đào tạo hướng dẫn trực tiếp cho nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tùy thuộc vào loại sản phẩm thuộc cơ quan nào quản lý mà doanh nghiệp thuộc cơ quan nào quản lý mà lựa chọn tài liệu sao cho phù hợp. Doanh nghiệp có thể tải bộ câu hỏi kiến thức tập huấn tại:
- Quyết định 1390/QĐ-BCT đối với sản phẩm thuộc quản lý của Bộ Công Thương;
- Quyết định 37/QĐ-ATTP và Quyết định 216/QĐ-ATTP đối với sản phẩm thuộc quản lý của Bộ Y tế; và
- Quyết định 381/QĐ-QLCL đối với sản phẩm thuộc quản lý của Bộ NN&PTNN.
Bước 2. Tiến hành lập quyết định về việc tổ chức thi xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, dựa trên bộ câu hỏi có sẵn. Doanh nghiệp chọn lọc câu hỏi để soạn thành bộ đề thi chính thức.
Bước 3. Tổ chức thi xác nhận kiến thức ATTP cho nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh.
Bước 4. Hội đồng thi tiến hành tổ chức chấm điểm, tổng kết kết quả thi xác nhận kiến thức ATTP cho nhân viên;
Bước 5. Những nhân viên có kết quả kiểm tra đạt sẽ được doanh nghiệp xác nhận đã được tập huấn kiến thức ATTP, sau đó lập danh sách tổng hợp hoàn chỉnh theo mẫu Phụ lục I Ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BTC (Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương quản lý); Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT quản lý thì chưa có thông tư quy định về biểu mẫu, do đó doanh nghiệp có thể tự lập biểu mẫu xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và chủ cơ sở ký xác nhận.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!